Ba “trường hợp đặc biệt” trong các vị trí chủ chốt của Đảng

Ngày 18/11, BBC Tiếng Việt bình luận “Tứ Trụ, Thường trực Ban Bí thư và những “trường hợp đặc biệt”’.

Theo BBC, những biến động chính trị trong khóa 13, cùng với cái chết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khiến số ủy viên Bộ Chính trị có thâm niên hơn một nhiệm kỳ thu hẹp lại, chỉ còn có ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

BBC nhận xét, điều này làm cho Đảng không còn nhiều lựa chọn, bởi theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, để vào “Tứ trụ” hoặc làm Thường trực Ban Bí thư, cá nhân phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Do đó, một số nhân vật, dù chưa hội đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn được bầu, phân công vào các vị trí, theo cơ chế “trường hợp đặc biệt”.

BBC cho biết, trong số các chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, thì ông Lương Cường chưa hội đủ tiêu chuẩn theo Quy định 214, vì chưa tham gia “trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên”.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Alexander Vuving, từ Mỹ, cho rằng, việc bầu Chủ tịch nước mới, cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc nhất thể hóa 2 chức vụ cao nhất: Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Ông Vuving nói rằng, việc Đảng lựa chọn ông Lương Cường làm Chủ tịch nước, còn phản ánh nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong Đảng, chủ yếu nằm ở các lực lượng công an và quân đội.

BBC nhắc lại, sau khi ông Vương Đình Huệ mất chức, ông Trần Thanh Mẫn khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đã được bầu lên làm Chủ tịch Quốc hội thay ông Huệ, vào ngày 20/5.

Ông Mẫn được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu vào tháng 1/2021, nên ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị, do đó, chưa thỏa mãn yêu cầu “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên”.

BBC dẫn lại đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, vào thời điểm ông Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, cho rằng, đây là “giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14”.

Ông Mẫn cũng được Giáo sư Thayer đánh giá là “có kinh nghiệm” trong Quốc hội, và việc bầu ông Mẫn cho thấy, Đảng đang thiếu người.

Bên cạnh đó, ông Mẫn quê ở Hậu Giang, nên việc ông làm Chủ tịch Quốc hội giúp cân bằng tính vùng miền trong “Tứ trụ”.

Vẫn theo BBC, vị trí Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã chứng kiến 4 sự thay đổi về nhân sự.

Thường trực Ban Bí thư là một chức vụ quan trọng, chỉ xếp sau “Tứ trụ”, nên tiêu chuẩn đề ra cho chức danh này cũng có những điểm tương tự “Tứ trụ”, cụ thể, cá nhân phải “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên”.

BBC nhận định, ông Lương Cường chưa thỏa mãn yêu cầu này khi được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Như vậy, ông Lương Cường được xét 2 lần “trường hợp đặc biệt”: Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch nước.

Người thay thế ông Cường làm Thường trực Ban Bí thư – ông Trần Cẩm Tú cũng chưa thỏa mãn tiêu chí này.

BBC dẫn thông báo về việc điều động nhân sự của Bộ Chính trị, cho thấy, ông Trần Cẩm Tú sẽ kiêm nhiệm 2 chức vụ: Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việc nắm giữ chức danh Thường trực Ban Bí thư, được cho là sẽ mở đường cho sự nghiệp chính trị của ông Tú trong tương lai, vì ông Võ Văn Thưởng và ông Lương Cường đều thăng tiến lên làm Chủ tịch nước từ vị trí này.

BBC đánh giá, dù các ông Lương Cường, Trần Thanh Mẫn, Trần Cẩm Tú chưa thỏa mãn tiêu chuẩn, nhưng việc bầu, phân công các ông này không sai Quy định 214, vì thuộc diện “trường hợp đặc biệt”.

Tuy nhiên, điều này cho thấy một thực tế như Giáo sư Thayer đã chỉ ra, Đảng đã rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự, nên việc xét trường hợp đặc biệt là điều dễ hiểu và có thể là giải pháp tình huống.

 

Quang Minh – thoibao.de