Năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định 214-QĐ/TW, để đưa công tác bổ nhiệm nhân sự vào khuôn khổ.
Đáng nói, Quy định này ràng buộc rằng, ứng viên cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư phải là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên. Nếu vào Bộ Chính trị thì cần kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố), trưởng các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương (như bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban trực thuộc Chính phủ, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…).
Thế nhưng, trường hợp ông Lương Tam Quang được bầu vào Bộ Chính trị lại không đúng quy định. Ông Quang mới chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng chưa trọn một nhiệm kỳ.
Ngoài Tướng Quang, thì ông Nguyễn Duy Ngọc cũng là trường hợp “xé rào”. Vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng được quy định trong Quy định 214-QĐ/TW, cũng là phải làm trọn một nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương Đảng trở lên.
Tương tự, Thượng tướng Quân đội Trịnh Văn Quyết cũng chưa đủ điều kiện khi được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, ông Tô Lâm đã phớt lờ Quy định, và ngang nhiên bổ nhiệm đàn em vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Nếu vẫn muốn đưa đàn em thăng tiến, mà không vi phạm quy định, thì ông Tô Lâm phải ký một Quy định mới, thay thế Quy định 214-QĐ/TW, rồi sau đó mới bổ nhiệm. Ở vị trí Tổng Bí thư, ông Tô Lâm hoàn toàn có thể làm điều này. Tuy nhiên, ông phớt lờ, ngang nhiên dẫm đạp lên Đảng luật do người tiền nhiệm thiết lập, để bổ nhiệm đàn em một cách tùy tiện.
Thật ra, nếu làm đúng quy trình thì sẽ mất nhiều thời gian, trong khi võ đài đang rất cần người. Nếu chậm chân, có thể sẽ bị kẻ khác nhảy vào xí phần. Vị trí của ông Lương Tam Quang rất quan trọng. Ông Tô Lâm phải “vừa đánh vừa đàm”, đưa ông Quang vào ghế Bộ trưởng như chuyện đã rồi, sau đó, buộc Bộ Chính trị phải chấp nhận.
Thời điểm ông Tô Lâm cần đẩy ông Lương Tam Quang lên ghế Bộ trưởng, là lúc mà võ đài đấu nhau cực kỳ khốc liệt, tình thế vô cùng cấp bách. Nếu đợi để làm đúng theo quy định, chắc chắn, sức mạnh của Tô Lâm sẽ bị hóa giải. Bởi khi đó, ông đang ngồi ghế Chủ tịch nước hữu danh vô thực, nếu Bộ Công an bị vuột khỏi tầm tay, ông sẽ thành trở thành “con cá trên lò nướng” của các phe phái khác.
Với Nguyễn Duy Ngọc, sau khi ông Tô Lâm thành công ngồi vào ghế Tổng Bí thư, nhưng cả dàn Ban Bí thư bên dưới, toàn bộ đều là đàn em của ông Trọng. Nếu Tô Lâm không nhanh chân kéo đàn em thân cận vào vòng quyền lực, thì sẽ rất bất lợi. Vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chính là tay hòm chìa khóa cho Tổng Bí thư, nên Tô Lâm không ngần ngại phá rào, để kéo đàn em vào hỗ trợ.
Có thể nói, cho đến nay, Bộ Chính trị vẫn bất lực trước Tô Lâm, không rõ, hậu quả về sau sẽ ra sao. Đảng luật được lập ra, để tạo rào cản, hạn chế những thế lực có ý đồ thâu tóm quyền lực. Vậy mà, cả Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực nhất, lại bất lực trước một cá nhân.
Hiện nay, Hưng Yên đã có 2 uỷ viên Bộ Chính trị, ngang bằng với Nghệ An và Hà Tĩnh. Nếu Bộ Chính trị không có kế sách gì để ngăn chặn, thì ngay trong nhiệm kỳ này, Hưng Yên sẽ có thêm một Ủy viên nữa, đó là Nguyễn Duy Ngọc. Khi đó, không biết các phe phái khác làm sao để chống đỡ?
Điều nguy hiểm nhất ở Tô Lâm, chính là khả năng phá luật. Một khi đã phá luật thành công, thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. Khi đó, chỉ cần ông Tổng Bí thư họ Tô thích, thì ông có thể triệu tập cuộc họp Trung ương bất thường, bổ sung người này người kia, lúc đó sẽ ra sao? Có lẽ, khi đó, Đảng Cộng sản sẽ thành đảng Hưng Yên.
Trần Chương – Thoibao.de