Ngày 15/11, BBC Tiếng Việt bình luận “Tướng công an, quân đội nào thăng tiến khi chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định?”
Theo BBC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 214, về công tác nhân sự cấp cao của Đảng.
Nhưng một số tướng lĩnh quân đội, công an, gần đây được bầu vào Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư, không đúng với Quy định 214 này, gồm: Đại tướng, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Thượng tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; và Thượng tướng Quân đội Trịnh Văn Quyết – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
BBC phân tích từng trường hợp như sau:
Bộ trưởng Lương Tam Quang
Ông Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, ngày 16/8, khi chưa hoàn thành trọn 1 nhiệm kỳ Trung ương Đảng.
Thời gian ông nắm vị trí “trưởng các ban, bộ, ngành” – cụ thể là Bộ trưởng Công an, chỉ mới tầm 2 tháng, chưa đủ để có thể đánh giá là “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ” hay không, trước khi ông được bầu vào Bộ Chính trị.
Hơn nữa, Bộ trưởng Quang không thỏa mãn yêu cầu “là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
BBC cho biết, theo thông lệ, các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay, đều được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng.
Còn Bộ trưởng Quang thì ngược lại, ông được lên làm Bộ trưởng trước, rồi bổ sung vào Bộ Chính trị sau.
Bên cạnh đó, việc ông được tấn thăng từ Thượng tướng lên Đại tướng, chỉ trong vòng hơn 2 năm, cũng là một trường hợp đặc biệt.
Theo Luật Công an Nhân dân, thời hạn thăng mỗi cấp bậc hàm tướng là 4 năm, thăng trước thời hạn không được quá 12 tháng. Ông Quang được thăng từ Trung tướng lên Thượng tướng vào ngày 6/1/2022, tới 20/10/2024 lên bậc Đại tướng, như vậy, việc thăng cấp bậc đối với ông, đã trước thời hạn hơn 12 tháng.
Tướng Nguyễn Duy Ngọc
Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và sau đó được bầu vào Ban Bí thư, cũng không đúng với Quy định 214.
Ông Ngọc cũng là Uỷ viên Trung ương Đảng nhiệm kỳ đầu tiên tại khóa 13, chưa trọn 1 nhiệm kỳ, nên không thỏa mãn tiêu chuẩn cho vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cũng như không đạt yêu cầu để vào Ban Bí thư.
BBC cũng cho biết, theo thông lệ, người đảm trách chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thường là Uỷ viên Ban Bí thư. Nhưng khi ông Ngọc lại được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương khi chưa vào Ban Bí thư.
Tướng Trịnh Văn Quyết
Theo tiểu sử trên trang của Chính phủ, Thượng tướng Quyết được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng lần đầu tại khóa 13, do đó, ông cũng chưa đạt tiêu chuẩn “là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Việc ông được bầu vào Ban Bí thư, là chưa đúng với Quy định 214 của Bộ Chính trị. Điều này cho thấy, sự nghiệp chính trị của ông sẽ còn rộng mở.
BBC cho rằng, việc bầu, bổ nhiệm các tướng lĩnh công an và quân đội không đúng quy định như trên, có thể là hệ quả của tình trạng thiếu hụt nhân sự, khi Bộ Chính trị khóa 13 đã mất tới 7 uỷ viên. Thêm vào đó, sự ra đi của Tổng Trọng đã gây nhiều biến động trong bộ máy nhân sự chủ chốt và cấp cao.
Ngoài ra, việc bầu, bổ nhiệm những nhân sự chưa đủ tiêu chuẩn, có thể cũng là một giải pháp tình thế, khi Đảng mong muốn nhanh chóng ổn định bộ máy, để giải quyết các vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội, và chuẩn bị cho Đại hội 14.
BBC bình luận, dù vì lý do gì, thì một điều có thể chắc chắn là, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Trịnh Văn Quyết, là những người sẽ nằm trong quy hoạch nhân sự vào Đại hội 14. Khả năng cao ông Quang sẽ tiếp tục vào Bộ Chính trị còn ông Ngọc, ông Quyết sẽ tiếp tục nằm trong Ban Bí thư.
Ý Nhi – thoibao.de