Khẩu hiệu “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ là dân tuý

Ngày 14/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Chống lãng phí theo cách của ông Tô Lâm có hiệu quả?”.

Theo đó, RFA cho hay, chỉ trong vòng một tuần, đã có 2 vụ án gây lãng phí ngân sách bị khởi tố.

Đầu tiên là vụ án gây lãng phí ngân sách khi thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng xảy ra tại Ban 4 – Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan.

Vụ thứ 2 là việc ông Phan Thành Muôn – Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh, và 8 người khác bị khởi tố dưới cáo buộc vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo RFA, Bộ Công an cho biết cả 2 vụ án trên được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo về việc phòng, chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Có thể nói “chống lãng phí” là một trong những chính sách mang tính dấu ấn của ông Tô Lâm. Hôm 13/10, người đứng đầu Đảng Cộng sản đã đích thân ký tên trong một bài viết về chủ đề này.

RFA dẫn lời ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận xét:

“Chuyện chống lãng phí đã được nói đến 15 năm nay. Có điều vừa rồi đẩy mạnh việc chống tham nhũng, nhưng lãng phí gây thất thoát nhiều hơn, mà vẫn chưa có những chính sách cụ thể, để thực hiện được việc phòng chống lãng phí”.

Giới quan sát đã so sánh những động thái gần đây của ông Tô Lâm với chiến dịch “đốt lò” của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn bị đánh giá là “dân túy” do không mang lại những thay đổi về mặt thể chế.

RFA dẫn bình luận của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ – một nhà quan sát chính trị Việt Nam, cho rằng, “Bản chất cuộc đốt lò thực chất là một hành động dân tuý. Nó đánh vào tâm lý của người dân muốn có một người đứng lên dẹp đi những sai trái, và ung nhọt của xã hội, tức là xử lý phần ngọn. Phần gốc của vấn đề đó chính là thể chế độc đoán thì không nhắc đến”.

Vẫn theo RFA, vị Tổng Bí thư người Hưng Yên từng thẳng thừng tuyên bố cần phải cải cách thể chế, bởi thế chế hiện tại theo ông là “không còn phù hợp với điều kiện mới” và vì vậy “là trái với quy luật phát triển”.

Ngoài nhiệm vụ thay đổi thể chế, điều chắc chắn ông Tô Lâm sẽ đụng chạm tới lợi ích của nhiều nhóm và cá nhân, dẫn đến phản ứng, chống đối, chống lãng phí còn đòi hỏi những thay đổi ở những lề thói nhỏ hơn.

Vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ trong các tuyên bố của ông Tô Lâm về việc cần thiết phải cải cách thể chế.

Tuy nhiên, không nhiều người sẽ nghĩ rằng thể chế mà ông Tô Lâm nhắc tới, chính là thế chế chính trị mà Đảng của ông ta tạo ra. Bởi điều đó đòi hỏi một cuộc cải cách chính trị sâu rộng, điều mà Đảng cầm quyền vẫn một mực bác bỏ.

Chẳng vậy mà bất cứ tiếng nói nào yêu cầu thay đổi thế chế chính trị, đều gặp phải sự đàn áp khốc liệt từ chế độ.

RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam, từ Hoa Kỳ, nhận định rằng, chế độ cần thừa nhận tệ lãng phí, và những tiêu cực khác đều xuất phát từ thể chế chính trị mà ra, chứ không thể tiếp tục coi chúng là những vấn đề mang tính “khách quan”.

“Cộng Sản Việt Nam đã thiết lập nên một chính quyền vô dụng và gây hại về mọi phương diện. Điều này chính ông Tô Lâm, người đứng đầu Đảng Cộng sản trong nước mặc nhiên thừa nhận, khi ông ấy tuyên bố về hàng loạt “điểm nghẽn”, có ý nghĩa như tiêu cực trong hệ thống chính trị, như: Thể chế, nhân sự, hạ tầng, tư duy không quản được thì cấm, nạn lãng phí, tham nhũng.” – Luật sư Mạnh cho biết thêm.

Ông Mạnh cho rằng những vụ bắt bớ gần đây mà ông Tô Lâm chỉ đạo, có thể đáp ứng được nhu cầu “cảnh tỉnh” đối với cả hệ thống. Nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc “chữa cháy ở ngọn” chứ không giải quyết được phần gốc.

 

Ý Nhi – thoibao.de