Ngày 16/11, RFA Tiếng Việt đăng bình luận “Muốn tinh giản bộ máy cần phải làm gì trước mắt?”, của tác giả Lê Thân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng.
Theo đó, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm tới 70% ngân sách Nhà nước, gây cản trở cho các khoản đầu tư phát triển kinh tế, hiện đại hóa quân đội, và bảo đảm an ninh quốc gia.
Tác giả đề cập đến một loạt nghị quyết Trung ương về cải cách hành chính, nhưng thực tế, việc cải cách vẫn chưa hiệu quả.
Nguyên nhân gốc rễ nằm ở cách tổ chức và vận hành bộ máy hiện nay. Đảng đóng vai trò độc quyền trong quản lý đất nước, tương tự mô hình phong kiến “nước của vua”, nhưng thay vào đó là “vua tập thể”.
Theo tác giả, hệ quả là, quyền lực của nhân dân hoàn toàn chỉ là hình thức. Bộ máy vận hành theo nguyên tắc “Quân đội trung với Đảng, Công an còn Đảng còn mình”, thay vì hướng đến lợi ích thực sự của nhân dân. Đây là lý do, tại sao tinh giản bộ máy không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà đòi hỏi một sự đổi mới toàn diện và triệt để về thể chế.
Để tinh giản bộ máy, cần xác lập lại mối quan hệ giữa Đảng và dân, trong đó người dân phải thực sự làm chủ đất nước.
Tác giả nhận định, cần quán triệt các nguyên tắc cơ bản:
- Trao quyền cho Nhân dân,
- Sử dụng ngân sách hiệu quả,
- Trách nhiệm giải trình.
Tác giả dẫn Kiến nghị khẩn cấp về cải cách thể chế, ngày 3/11, các tổ chức xã hội dân sự trong Nam ngoài Bắc đã chia sẻ quan điểm với Tổng Bí thư Tô Lâm rằng, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Để giải quyết vấn đề tận gốc rễ, cần một cuộc “Đổi mới lần thứ hai”, cả về nhận thức lẫn hành động. Tất nhiên, chuyện này phải có lộ trình.
Tác giả đề xuất các biện pháp cấp bách cần làm ngay, bao gồm:
- Sáp nhập các tổ chức trùng lặp giữa Đảng và chính quyền,
- Giảm cấp phó và tinh giản chức năng chồng chéo,
- Cắt ngân sách cho các đoàn thể,
- Quốc hội thực quyền,
- Giải tán các hội đồng nhân dân cấp địa phương.
Tác giả cho rằng, lịch sử thế giới đã chứng minh, nghèo đói và lạc hậu chủ yếu bắt nguồn từ thể chế yếu kém và không hợp thời. Sự phát triển vượt bậc của Tây Đức so với Đông Đức trước đây, Nam Triều Tiên so với Bắc Triều Tiên, hay Canada so với các nước Trung Nam Mỹ hiện nay, là những bằng chứng rõ ràng nhất.
Tác giả nhận xét, Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay, đã nhận ra rằng, thể chế là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển. Các vị đều kêu gọi, dân tộc hãy bước vào “kỷ nguyên mới!” Kỷ nguyên mới đòi hỏi một bộ máy hoạt động hiệu quả, một nền kinh tế năng động và một xã hội công bằng. Đây không chỉ là mong mỏi của người dân, mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy văn minh và tiến bộ của nhân loại.
Tác giả kết luận, tinh giản bộ máy không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là một bài toán phức hợp về thể chế và ý chí cải cách. Để đạt được một bộ máy hiệu quả, gọn nhẹ và thực sự vì dân, do dân… cần giải quyết triệt để mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, đồng thời thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc.
Bài học từ thế giới và từ chính những tồn tại của bộ máy trong nước, đã chỉ ra rằng, sự phát triển bền vững chỉ có thể đến từ một thể chế dân chủ, minh bạch và trách nhiệm. Đây là thời điểm mà Việt Nam cần dũng cảm thay đổi, vì một đất nước thịnh vượng và hội nhập.
Theo tác giả, kỷ nguyên mới sẽ không chờ đợi những bước đi nửa vời! Đổi mới lần thứ hai phải bắt đầu ngay từ hôm nay, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân!
Xuân Hưng – thoibao.de