Ngày 12/11, báo Tiếng Dân đăng bình luận “Chuyện cụ Đỗ Mười và tính cách, luật pháp Mỹ Latinh” của tác giả Kim Văn Chính.
Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:
- Chuyện cụ Đỗ Mười:
Nhân chuyện mới xảy ra ở Chile, tôi lại nhớ đến kinh nghiệm của cụ Đỗ Mười, thời cụ ấy làm lãnh đạo cao nhất đất nước.
Một lần, cụ đi công cán Tây Nguyên, ekip đi theo tháp tùng, văn võ bá quan mấy chục vị, toàn là hàm cấp cao cả, sương sương cũng là thứ bộ trưởng, tép riu nhất cũng phải là vụ trưởng vụ phó các ban ngành Trung ương Đảng, hoặc bên Chính phủ đi cùng…
Hay của cụ Mười là cụ đi guốc trong bụng đám lâu la, mỗi lần xuống địa phương thăm hỏi, là một lần họ hay nhận quà cáp bằng tiền (phong bì), có khi rất nhiều của các địa phương.
Trước khi đi, cụ cho họp đoàn và quán triệt rất căng: Cụ nói: Bất kể các lần trước, các anh các chị đi công tác địa phương như thế nào, lần này đi với tôi, tôi yêu cầu tất cả mọi người tuyệt đối không được nhận bất cứ quá cáp gì, dù bằng tiền hay hiện vật của các địa phương. Ai vi phạm, tôi sẽ trừng phạt và sau này đừng có trách tôi.
Mọi người ai cũng biết tính khí Đỗ Mười. Cụ nói được và làm được, lại nổi tiếng dám làm. Cụ dọa kỷ luật không phải nói đùa…
Chuyến đi rất “vui”.
Tôi nghe được 1 anh có thâm niên làm việc kể lại: Trước hết, anh em trong đoàn tháp tùng rỉ tai nhau, để làm sao chấp hành mệnh lệnh của cụ Mười nghiêm túc nhất.
Sau đó, khi đến địa phương, anh ấy nói với cán bộ địa phương rằng: Các cậu chú ý, lần này cụ Mười đi công cán, đã cấm nhận quà bằng tiền và hiện vật rồi, do vậy không được biếu xén, quà cáp dưới bất cứ hình thức gì.
Và không quên nói thêm: Nếu các cậu có lòng, thì quà cáp gì lần này hãy giữ lại, chờ đến lần sau tôi xuống hãy đưa cùng với quà của lần tới!
Thế là đẹp cả đôi đường: Cụ Mười có chuyến công tác thật là trong sạch, đúng như cụ muốn: không ai nhận quà… Nhưng ekip tháp tùng cụ cũng không bị “thiệt thòi” gì về quà cáp của cấp dưới…
- Tính cách và luật pháp Mỹ Latinh:
Nam Mỹ rất rộng lớn và đông dân, chia thành nhiều nước, tính cách tự do và phóng khoáng, thích nhảy nhót, vui vẻ, lễ hội… Họ chủ yếu là người da trắng di cư từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sang, hòa trộn với dòng dân nô lệ da đen và Bắc Phi, và đến nay vẫn nói 2 ngôn ngữ này.
Có thể thấy, họ rất thẳng tính và tôn trọng pháp luật (ngoại trừ một số nước như Cuba, Venezuela), qua các sự kiện kinh nghiệm của ngoại giao Việt Nam:
- Năm 2012, một nước Nam Mỹ đã khước từ tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Cuba, làm đoàn cấp cao của Việt Nam phải huỷ ngang chuyến thăm để về nước.
- Năm 2018, khi có chuyến thăm cấp cao của Việt Nam tại Chile (có chuyên cơ), người dân sống bên cạnh toà nhà Thương vụ Việt Nam tố cáo ngửi thấy mùi tanh của vây cá mập phơi trên nóc Đại sứ quán Việt Nam, phía Chile đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam cung cấp rõ thông tin và giải thích hành vi lạ lùng này…
- Lần này, 2024, Chủ tịch nước Lương Cường thăm cấp cao Chile, ông sĩ quan bảo vệ Lại Đắc Tuấn xí xớn phạm tội quấy rối tình dục nhân viên khách sạn, lập tức, cảnh sát đến bắt và đưa ngay ra toà xử, và tòa kết tội ngay tắp lự… Lại còn cho báo chí công khai (theo luật định) thông tin này trên công luận.
Kết luận:
Nhiều nước Nam Mỹ có mức sống khá cao (như Chile có GDP trên đầu người gấp 4 lần Việt Nam), có lẽ là do họ sống tôn trọng pháp luật và tính cách phóng khoáng, tự do… Trước đây, thời Tổng thống Allende cánh tả Xã hội Chủ nghĩa, dân Chile cũng khổ và kém phát triển. Nhưng mấy chục năm qua (từ 1973), khi chính quyền độc tài cánh hữu của Tổng thống do đảo chính Pinochet lên ngôi, cuộc sống ở Chile cải thiện rõ rệt, đến nay trở thành nước có mức sống cao nhất Nam Mỹ.
Việt Nam ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, tôi nghĩ cũng cần học họ về pháp luật…
Quang Minh – thoibao.de