Ngày 14/11, RFA Tiếng Việt cho hay, “Kiên Giang chuyển gần 60 ha rừng đặc dụng ở Phú Quốc làm khu du lịch đang bị dân phản đối”.
Theo đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang vào ngày 14/11 thông qua nghị quyết, cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 57,72 ha rừng đặc dụng ở Phú Quốc, sang cho dự án Khu Du lịch sinh thái và Dân cư Rạch Tràm, vốn đang bị dân địa phương phản đối vì giá đền bù rẻ.
Thông tin này được báo Nhà nước loan vào cùng ngày, khi Uỷ ban nhân dân Thành phố Phú Quốc cho biết địa phương đang tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, với diện tích gần 2.000 mét vuông của một người dân địa phương, để làm khu du lịch sinh thái.
Theo RFA, vào tháng 3/2018, Uỷ ban nhân dân huyện Phú Quốc (nay là Thành phố Phú Quốc) ban hành thông báo thu hồi đất của bà X. Đến tháng 1/2021, địa phương đã ban hành quyết định hỗ trợ đất đai, cây trồng cho chủ đất với số tiền hơn 165 triệu đồng. Tuy nhiên, bà X chưa chịu nhận tiền bồi thường.
Báo Tuổi Trẻ, ngày 14/11, cho biết, trước đó, nguồn gốc đất trên của bà X là do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý. Năm 2012, ông N đã chuyển nhượng phần diện tích đất trên cho bà X., sau đó gia đình bà đã dọn đất, trồng tràm bông vàng cho đến nay.
RFA cũng cho hay, Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm thuộc ấp Rạch Tràm, có diện tích 173,53 ha, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vào năm 2015 giao cho Tập đoàn CityLand đầu tư, xây dựng.
Báo nhà nước trong các năm qua đã đưa tin cho biết, nhiều người dân địa phương bị thu hồi đất cho dự án đã bức xúc, và khiếu nại yêu cầu làm rõ. Người dân không đồng ý giá đền bù đất quá thấp, “không giúp họ tái tạo cuộc sống mới, trong khi hàng triệu mét vuông đất giao cho tư nhân không qua đấu giá, diện tích đất “khủng” được giao liên tục tăng đáng ngờ”.
Trong thông tin mới nhất về việc chuyển đổi rừng đặc dụng cho dự án, báo nhà nước dẫn tờ trình của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, “vị trí thực hiện dự án thuộc tiểu khu 62, phân khu phục hồi sinh thái, Vườn Quốc gia Phú Quốc tại xã Bãi Thơm. Trong số 63 ha rừng với chức năng rừng đặc dụng, có 28 ha rừng tự nhiên, rừng trồng và 35 ha là đất trống”.
Vẫn theo RFA, vào năm 2019, chủ đầu tư dự án đã hoàn thành việc tận thu gỗ, và nộp tiền theo quy định. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng “nộp tiền để thực hiện dự án trồng rừng thay thế. Tháng 8 vừa qua, diện tích rừng này được được đưa ra khỏi Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030. Theo đánh giá của tỉnh, chủ dự án đã thực hiện xong các bước theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004”.
RFA nhắc lại, hồi năm 2022, báo trong nước cũng có những bài viết liên quan đến việc thu hồi đất làm dự án du lịch ở Phú Quốc, và cho biết Kiểm toán Nhà nước từng có báo cáo khẳng định đất quy hoạch dự án trên là “đất kinh doanh, dịch vụ”.
Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng xác định có những sai sót, như một đoạn cuối của đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc, được tỉnh Kiên Giang phê duyệt đã “bị lệch về phía rừng”, nhằm “đi vào phần đất của Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm”.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, kiểm tra việc phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch, vượt 71,53 ha so với quy hoạch của Thủ tướng và Chính phủ.
RFA cho biết, truyền thông nhà nước nhận định dự án này có vị trí đắc địa, “tại ngã ba sông Rạch Tràm, là con sông lớn nhất, duy nhất trên đảo Phú Quốc còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, với hệ sinh thái rất đặc biệt, khó có nơi nào sánh được. Từ bãi Rạch Tràm có thể nhìn thấy rõ địa phận nước Campuchia”.
Minh Vũ – thoibao.de