Ngày 14/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Dư luận nghi ngờ lá đơn sư Minh Tuệ đề nghị xử lý người đưa hình ảnh ông lên mạng”.
Theo đó, lá đơn viết tay, có chữ ký sư “Minh Tuệ”, gửi cơ quan chức năng, đề nghị xử lý những ai đưa thông tin, hình ảnh của ông lên mạng xã hội mà không được phép, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính chân thực của lá đơn.
RFA cho biết, sư Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú), khất sĩ đầu trần chân đất, tu theo 13 hạnh Đầu đà, xuất hiện trở lại ở quê nhà Gia Lai khoảng hơn 10 ngày qua, sau thời gian ẩn tu, thu hút nhiều người mến mộ đến đảnh lễ và các YouTuber đến đưa tin.
Theo RFA, báo Gia Lai Online hôm 13/11 đăng bức ảnh chụp lá đơn, trong đó, ông Minh Tuệ xưng “con”, và gửi đến “các cơ quan chức năng và tổ chức gia đình cá nhân toàn thể xã hội”, với mong muốn được bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, và việc khất thực tu học của ông.
Thư đề ngày 8/11 có đoạn:
“Mong mọi người không tụ tập đông người làm mất trật tự an toàn giao thông, không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của con lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình tu học, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những ai đưa thông tin về con lên mạng xã hội, khi chưa được phép của con.”
RFA cũng cho biết, phóng viên Mạng báo Tuổi trẻ online dẫn nguồn tin không nêu danh tính, từ Công an tỉnh Gia Lai, ngày 14/11, nói về lá đơn có nội dung tương tự.
Phóng viên RFA trong cùng ngày, đã gọi điện cho Công an tỉnh Gia Lai để hỏi về lá đơn của sư Minh Tuệ, nhưng người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở để được cung cấp thông tin. RFA không thể kiểm chứng độc lập về tính xác thực của lá đơn.
RFA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Phật giáo Nguyễn Thanh Huy ở Nha Trang, nói rằng, nội dung lá đơn đi ngược hoàn toàn với lòng từ bi của ông Minh Tuệ, vì “một người đã từng nói, không muốn đọc Chú Đại Bi vì sợ ảnh hưởng đến ma quỷ, thì sao có thể yêu cầu “xử lý con người” được?”
Trên trang Facebook cá nhân, ông Huy nhắc lại việc sư Minh Tuệ từng nhiều lần nói, ai muốn quay phim hay chụp hình đều được, miễn là họ thấy vui và hạnh phúc, và “không quan tâm đến mạng xã hội hay bất cứ ai phán xét gì về ông”.
RFA dẫn nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, cho rằng, lá đơn có thể là bước chuẩn bị, để chính quyền cô lập sư Minh Tuệ về truyền thông, và cách ly ông với đời sống. Ông Khanh viết trên Facebook cá nhân:
“Với Phật giáo, người tu hành không bao giờ chối bỏ đám đông tín ngưỡng, được coi là duyên phước đối với mình, mà theo kiểu trong thư viết, cho là phiền hà như vậy. Đặc biệt đối với phái tu khất thực thì lại càng không, do họ phải luôn tìm cách tiếp cận với tín hữu mỗi ngày, như là một phần tu học, cho đến mãn phần.”
RFA cho biết thêm, sư Thích Minh Tuệ đã từng đi bộ khất thực dọc Việt Nam, ít nhất 4 lần, nhưng lần cuối cùng vào năm nay của ông đã khiến công chúng chú ý, khi mạng xã hội đưa tin liên tục. Sự việc đã khiến chính quyền can thiệp và yêu cầu ông phải ẩn tu, vào đầu tháng 6 vừa qua.
Liên quan đến việc xử lý người đưa hình ảnh của sư Minh Tuệ lên mạng xã hội, gần đây, ngày 10/10, RFA cho hay, Facebooker B.N.H.S bị công an phạt 5 triệu đồng, và yêu cầu gỡ bỏ thông tin đã đăng, về việc sư Minh Tuệ khất thực trở lại ở Bảo Lộc, bị cho là sai sự thật.
Trước đó, tài khoản mạng xã hội Facebook “H.H.C” của ông S đã đăng tải nhiều video, bài viết, có nội dung: “thầy Minh Tuệ đang xuất hiện ở khu vực Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng”.
Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự quan tâm, chú ý, của cộng đồng mạng. Nhiều người kêu gọi truy tìm vị trí tại Bảo Lộc, để đến gặp thầy.
Thu Phương – thoibao.de