Chuyến đi Nam Mỹ của Lương Cường có thành công hay không và tương lai của Tô Lâm ra sao?

Chủ tịch nước Lương Cường vừa kết thúc chuyến công du tới Nam Mỹ, bao gồm thăm chính thức các quốc gia Chile, Peru và tham dự Thượng đỉnh APEC. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lương Cường trên tư cách Chủ tịch nước.

Theo giới quan sát, chuyến công du Nam Mỹ của Chủ tịch Lương Cường khó có thể đánh giá thành công tốt đẹp, nếu như không xảy ra “sự cố”. Trong chuyến đi của ông Lương Cường, một sĩ quan an ninh và là cận vệ trong đoàn đã bị cảnh sát Chile bắt giữ, với cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một nữ công dân nước sở tại.

Vụ việc này không được nhà nước Việt Nam đưa tin. Thậm chí, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu mạng xã hội Facebook chặn hay xóa bỏ các tin tức liên quan. Điều đó càng khiến cho mạng xã hội càng quan tâm hơn, đồng thời vẫn đang tiếp tục dấy lên những nghi vấn khác nhau, như liệu có phải nhân viên an ninh Lại Đắc Tuấn chỉ là “Lê Lai cứu Chúa”, để tránh liên quan đến những nhân vật cấp cao khác trong đoàn?

Cũng như, một số thuyết âm mưu cho rằng, “sự cố” nêu trên có bàn tay của Bộ Công an, với sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao nhất trong Đảng. Mục đích là gây nên tai tiếng suốt đời khó có thể gột rửa được, nhằm mục đích hạ uy tín của Chủ tịch nước Lương Cường.

“Sự cố” trong chuyến đi của ông Lương Cường, được đánh giá là vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới “thể diện quốc gia”. Nhưng cho đến nay, truyền thông Việt Nam vẫn chưa hề đưa tin, và cũng không có câu trả lời cho đề nghị bình luận của các hãng tin quốc tế.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Nam Mỹ của ông Lương Cường, đã được truyền thông nhà nước, kể cả các trang mạng xã hội của lực lượng dư luận viên AK47 tung hô đã thành công rực rỡ. Đáng chú ý, sự kiện Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, được đánh giá cao.

Trong phần ý kiến, có nhiều tài khoản xưng danh là cựu chiến binh, hay cách mạng lão thành đưa ra các nhận xét, Chủ tịch nước Lương Cường xứng đáng là lãnh đạo vì nước, vì dân. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích Tổng Bí thư Tô Lâm, cho rằng, việc phát biểu để chỉ đạo phải gắn với thực tiễn, “nói đi đôi với làm” thì dân mới tin, mới ủng hộ và làm theo.

Trong khi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương vào ngày 29/10, ông Tô Lâm đã khẳng định rằng, “kẻ thù của tuyên giáo là giáo điều, nói không đi đôi với làm”. Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây hô hào chống lãng phí, trong khi ông Tô Lâm trước đây đã có hành vi lãng phí xa hoa.

Những bê bối trước đây cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói không đi đôi với làm. Điều đó sẽ không thu phục được nhân tâm của người dân, nhất là lực lượng hơn 5 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi số đông lãnh đạo cấp cao trong Đảng đã và đang bày tỏ sự ủng hộ cần kiên định với con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

Phản ứng của lực lượng dư luận viên AK47 như vừa kể, có liên quan gì đến các đánh giá của giới phân tích quốc tế mới đây, khi cho rằng, không thể xem nhẹ khả năng Chủ tịch nước Lương Cường sẽ vươn lên vị trí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Xin nhắc lại, cách đây ít ngày, sau chuyến đi đầy khuất tất của Chủ tịch nước Lương Cường sang Trung Quốc vào trung tuần tháng 10/2024, chưa đầy 1 tháng sau, Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản do ông Phan Đình Trạc dẫn đầu lại sang Bắc Kinh, theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Những sự kiện này cho thấy, việc Tổng Bí thư Tô Lâm có thể trụ lại đến Đại hội 14 hay không vẫn còn chưa chắc chắn.

 

Trà My – Thoibao.de