Vì sao sau Lương Cường, Phan Đình Trạc lại bất ngờ lại sang Bắc Kinh

Liên quan đến tình hình chính trường và nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo giới thạo tin, từ nay đến Đại hội 14 chỉ còn khoảng 13 tháng, trọng tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải giành bằng được chiếc vé “trường hợp ngoại lệ” để có tên trong danh sách nhân sự “chủ chốt”.

Việc ông đương kim Tổng Bí thư Tô Lâm trở thành trường hợp ngoại lệ, là vấn đề đương nhiên. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Tô Lâm vẫn chưa giành được sự đồng thuận của đa số Ban Chấp hành Trung ương. Đây là vấn đề không hề đơn giản.

Theo nguyên tắc, nếu kết quả biểu quyết ông Tô lâm là trường hợp ngoại lệ của Ban Chấp hành Trung ương không đạt được quá bán, thì sẽ đồng nghĩa với việc, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ phải về hưu sau hơn 1 năm ngồi trên ghế Tổng Bí thư ở tuổi 69.

Vấn đề tuổi tác là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các thành viên “Tứ trụ” Khóa 13 hiện nay. Theo giới quan sát, tính đến đầu năm 2026, khi Đại hội 14 diễn ra, 2 ông Tô Lâm và Lương Cường cùng 69 tuổi, ông Phạm Minh Chính được 67 tuổi, và ông Trần Thanh Mẫn sẽ ở tuổi 64.

Theo quy định hiện hành về độ tuổi tái cử, cả 2 ông Tô Lâm và Lương Cường đều đến tuổi phải về hưu, cũng như ông Phạm Minh Chính không đủ tuổi để ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Do đó, việc giành vé “trường hợp ngoại lệ” là câu chuyện không hề đơn giản. Theo giới quan sát, khả năng cao, nội bộ Đảng sẽ đạt được phương án, cả 3 ông Tô Lâm, Lương Cường, và Phạm Minh Chính sẽ cùng ở lại, hoặc cùng nghỉ hưu.

Nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm lại không muốn như vậy. Theo ông Tô Lâm, “trường hợp ngoại lệ” cho Đại hội 14 chỉ có duy nhất 1, và chỉ 1 mà thôi. Đây là lý do đã khiến cho cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư Đại hội 14 càng trở nên quyết liệt và “một mất một còn”.

Kể từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, về việc Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa mối quan hệ giữa 2 nước. Mà thực chất, đó là sự đầu hàng “vô điều kiện” của Ban lãnh đạo Hà Nội đối với Trung Nam Hải. Kể từ đó cho đến nay, bộ máy lãnh đạo “cấp cao” của Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải nhận được sự đồng thuận của Ban lãnh đạo Bắc Kinh.

Đó là lý do, lãnh đạo Trung Quốc từng gọi ban lãnh đạo Việt Nam là những đứa con hoang đàng trở về với đất mẹ. Cụ thể, tháng 6/2014, trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài viết với tiêu đề: “Trung Quốc thúc giục “đứa con hoang đàng” hãy trở về nhà”.

Đây là cách diễn đạt, thể hiện thái độ hết sức trịch thượng của Trung Quốc trong việc xử lý mối quan hệ với Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời là một cách thể hiện tham vọng ảnh hưởng, hoặc kiểm soát đối với Việt Nam.

Điều vừa kể có liên quan gì đến chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Bắc Kinh từ ngày 11 đến 15/11 vừa qua?

Ông Phan Đình Trạc hiện nay là người cầm đầu phe Nghệ An – là một đối thủ chính trị, đồng thời là người liên tục dòm ngó chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an, khi Tổng Bí thư Trọng chưa qua đời. Có nhiều biểu hiện cho thấy, các phe Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình và Quảng Nam đã và đang nỗ lực liên kết với phe tướng lĩnh quân đội để chống lại Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đây là điều hết sức đáng lo ngại đối với chính trường Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

 

Trà My – Thoibao.de