Ngày 15/11, VOA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Người trẻ Việt miệt thị cờ Việt Nam Cộng Hòa tại bảo tàng quân sự là yêu nước hay cực đoan, thù hận?”.
Theo đó, VOA cho hay, một loạt các trang Facebook có tổng cộng hàng triệu người theo dõi ở Việt Nam, gần đây đăng các bức ảnh về nhiều thanh thiếu niên tỏ ý miệt thị lá cờ của nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, tại một viện bảo tàng mới được xây dựng ở Hà Nội.
Trong khi có vô số lời bình luận cho rằng, những người trẻ tuổi đó làm như vậy để thể hiện lòng yêu nước, cũng có không ít những ý kiến ngược lại, xem đó là biểu hiện của sự cực đoan, thù hận hoặc ngu xuẩn, vô văn hóa.
VOA cũng cho hay, bắt đầu từ hôm 3/11, các trang TOP Comments, Man TV, Vấn Đề Đa Chiều, Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam, Vietnam Projects Construction… và nhiều trang cá nhân đăng các bức ảnh ghi lại những thanh niên, thiếu niên có cử chỉ nhạo báng, chế giễu, sỉ nhục lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa, được trưng bày tại khu phức hợp mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Các cử chỉ đó bao gồm hai cánh tay bắt chéo trước người với hàm ý xóa bỏ, giơ nắm đấm chỉ có ngón tay giữa chĩa ra để thay cho lời chửi bậy, đặt ngón trỏ trước miệng ra hiệu không được nói…
VOA nhắc lại, lá cờ vàng ba sọc đỏ, thường được gọi tắt là cờ vàng, là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam có thủ đô là Sài Gòn, được thành lập năm 1949 và nằm trong Liên hiệp Pháp.
Khi lãnh thổ Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954, do các biến động lịch sử, cờ vàng là quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam cho đến ngày 30/4/1975.
Từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất có tên chính thức mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của nước Việt Nam cộng sản trong mọi giai đoạn lịch sử, kể từ tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.
VOA cho biết, ngoài một số bình luận quá khích, nhiều người tham gia tỏ ra bình tĩnh, thận trọng hơn, đưa ra quan điểm rằng hiện vật được trưng bày trong bảo tàng, để ghi lại những gì đã xảy ra trong lịch sử. Bản thân Ban quản lý bảo tàng không dùng từ “kẻ thù” để thuyết minh, vì vậy, người đến thăm bảo tàng – đặc biệt là hậu thế, nên tôn trọng lịch sử, tôn trọng những người cũng là “anh em máu đỏ da vàng”. Quá khứ của dân tộc đã khép lại, hãy “nắm tay nhau xây dựng đất nước” và “không gây thù hằn dân tộc”.
Cũng có không ít ý kiến ngay trong các trang kể trên, và các trang cá nhân khác phê phán các cử chỉ của các thanh thiếu niên đối với cờ vàng, gọi đó là “hành động bất lịch sự”, “kém văn minh”, “vô văn hóa”, thậm chí là “mất dạy”, “ngu xuẩn” của “những kẻ tỏ vẻ ta đây”.
Theo VOA, một số người lưu ý rằng cờ vàng từng đại diện cho Việt Nam, khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, cho đến khi Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hoà vào đầu năm 1974, do đó, nếu phủ nhận lá cờ này và chính thể Việt Nam Cộng Hoà sẽ gây khó cho nước Việt Nam ngày nay, trong cuộc đấu pháp lý với Trung Quốc về Hoàng Sa.
VOA cho biết thêm, các Facebooker có lượng người theo dõi đông đảo, gồm Bùi Quang Thắng, Lê Văn Luân, Tống Nguyên, Song Chi, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hồng Vũ, v.v… đưa ra quan sát rằng thật đáng lo ngại, vì thế hệ trẻ dường như vẫn bị giáo dục nhồi sọ, với những tư tưởng cực đoan, thù hận.
VOA dẫn lời Tiến sĩ Trương Quý Hoàng Phương, từ Đức, cho rằng điều đầu tiên cần làm để giảm đi sự ngăn cách, và cảm xúc thù hằn là “trả lại công bằng cho lịch sử”:
“Các em phải biết là có giai đoạn đã có một chế độ ở miền Nam độc lập với miền Bắc, và không phải chế độ đó là ngụy. Họ đã xây dựng ở miền Nam một xã hội, một nền giáo dục có những đóng góp nhất định, và có công bảo vệ bờ cõi ở phía Nam. Khi hiểu lịch sử, các em mới có thể thông cảm với lá cờ đó”.
Hoàng Anh – thoibao.de