Trần Thanh Mẫn – thân cô thế cô giữa rừng tướng dữ!

“Tứ trụ” hiện nay đang bị “vũ trang hóa” chưa từng có. “Tứ trụ” có 4 nhân vật, thì có đến 3 người là tướng, xuất thân từ lực lượng vũ trang. Tổng Bí thư Tô Lâm là Đại tướng Công an; Chủ tịch nước Lương Cường là Đại tướng Quân đội; Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trung tướng Công an. Tuy ông Chính có cấp hàm thấp nhất, nhưng bản lĩnh chính trị được đánh giá là chỉ đứng sau Tô Lâm.

Dù là quân đội hay công an, thì các ông tướng này đều được dạy cách dùng sức mạnh súng đạn, để giành chiến thắng. Công an dùng súng đạn để thắng dân, còn quân đội thì dùng súng đạn để thắng kẻ thù.

Thực tế cho thấy, nhiệm kỳ 2021 – 2026, là nhiệm kỳ mà chính trường biến động nhất từ trước đến nay. Đã có 2 cái chết bất thường, là ông Lê Văn Thành – cố Phó Thủ tướng và ông Nguyễn Chí Vịnh – cố Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ Chính trị thì rụng đến 8, trong đó có 1 người chết.

Chưa bao giờ chính trường khốc liệt đến thế.

Sau cuộc chiến đầy tổn thất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, “Tứ trụ” xuất hiện đến 3 ông tướng. Điều đó cho thấy, võ đài chính trị đang do các ông tướng làm chủ cuộc chơi. Thậm chí, có nguồn tin nội bộ cho biết, Tô Lâm đang từng bước Hưng Yên hóa cả Ban Bí thư lẫn “Tứ trụ”. Mà đáng nói là, nhóm Hưng Yên toàn là tướng quân đội và công an. Khi Hưng Yên làm chủ cuộc chơi, chính trường sẽ mang màu sắc bạo lực.

Đầu năm 2021, sau Đại hội 13, Tứ trụ gồm: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ. Nay, người duy nhất còn lại đến bây giờ là Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trung tướng Công an. Như vậy đủ thấy, chỉ có các ông tướng mới trụ vững sau giông bão chính trường.

Giờ đây, Tứ trụ còn duy nhất ông Trần Thanh Mẫn không thuộc lực lượng vũ trang. Ông Mẫn được đẩy lên cấp bách do Bộ Chính trị thiếu người. Đây chỉ là giải pháp khẩn cấp tạm thời. Với bản lĩnh chính trị của ông Mẫn, nhiều nhà quan sát đánh giá rằng, ông khó có thể ở lại Tứ trụ trong nhiệm kỳ tới.

Ghế Chủ tịch Quốc hội là ghế không có thực quyền, bởi ngay bản thân Quốc hội cũng chỉ là tổ chức bù nhìn. Tuy nhiên, từ thời ông Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội, cách đây hơn 30 năm, thì ghế này được xem là dự bị cho chức Tổng Bí thư. Ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng, đều đi lên từ ghế này. Nếu ông Vương Đình Huệ không bị ông Tô Lâm tấn công, thì đến Đại hội 14, ông Huệ cũng sẽ được cơ cấu vào chức Tổng Bí thư.

Nhưng giờ đây, chính trường đã không còn trật tự như trước. Thượng tầng chính trị chia phe đấu đá nhau, mạnh thắng yếu thua, chứ không còn “cơ cấu” nữa. Nếu ông Trần Thanh Mẫn không được Tổng Bí thư “bảo kê”, thì rất khó để trụ lại lâu dài.

Ở Đại hội 14 sắp tới, ông Mẫn cần giữ nguyên vị trí Chủ tịch Quốc hội. Nhưng điều này xem ra rất khó, bởi cánh miền Nam hiện nay quá yếu, ông không thể liên minh liên kết với ai. Ông Nguyễn Tấn Dũng mới trỗi dậy sau cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, ông Dũng chỉ tập trung cho Nguyễn Thanh Nghị, bởi ông Dũng không đủ lực để nâng đỡ cho kẻ khác.

Trong Bộ Công an, ông Tô Lâm đang chuẩn bị người để thay thế vị trí của ông Lương Tam Quang. Nguồn tin cho thoibao.de biết, ông Tô Lâm muốn đưa Lương Tam Quang vào “Tứ trụ”, chứ không chỉ ngồi yên ở ghế Bộ trưởng Công an. Nếu thật vậy, thì ghế của ông Trần Thanh Mẫn rất mong manh. Ông khó có thể đấu với một ông Tướng Công an, mà ông tướng này lại có một ông tướng khác to hơn đằng sau.

Trần Thanh Mẫn không đi lên bằng con đường “võ tướng”, mà chỉ nhờ gặp may. Ông được chọn để thay thế cho ông Vương Đình Huệ, vào thời điểm mà quan chức rụng ghế như sung, nên không đủ nhân sự để kịp thời thay thế.

Đến lúc này, ngồi “Tứ trụ” mà không “có võ”, thì rất khó phòng thân. Xem ra, vị trí của ông Trần Thanh Mẫn là mong manh nhất trong Tứ trụ.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de