Số phận Nguyễn Xuân Phúc đang lơ lửng như chỉ mành treo chuông

Ngày 15/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Số phận Nguyễn Xuân Phúc và chính trường Việt Nam từ nay đến Đại hội 14”.

RFA cho biết, chính trường Việt Nam hiện nay có ba chuyển động liên quan đến các lãnh đạo trên thượng tầng.

Chuyển động thứ nhất là vụ việc cận vệ của ông Lương Cường bị bắt vì “lạm dụng tình dục” ở Chile, ngay trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của vị Chủ tịch nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch công ty AIC, tiếp tục bị truy tố, kết án là chuyển động thứ 2. Và chuyển động thứ 3 xảy ra hôm 2/11, khi truyền thông nhà nước loan tin, ông Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, bị truy tố.

Trong 3 sự kiện liên quan đến chính trị thượng tầng nêu trên, vụ việc Mai Tiến Dũng làm phát lộ nhiều chuyển động, đằng sau hậu trường chính trị Việt Nam rõ ràng nhất.

RFA cho biết, ông Mai Tiến Dũng trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đầu tiên ở Việt Nam bị bắt giam và khởi tố vào ngày 30/4.

Điều đáng chú ý là theo truyền thông nhà nước, ông Dũng khai được “cấp trên” chỉ thị giải quyết các yêu cầu của công ty Sài Gòn Đại Ninh, dẫn đến những quyết định trái pháp luật vào năm 2020.

Việc truyền thông nhà nước đưa tin về “cấp trên” của cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã gây xôn xao trong giới quan sát chính trường Việt Nam. Bởi vì “cấp trên” cao nhất của ông Dũng trong giai đoạn xảy ra vụ án là cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm kỳ 2016 đến năm 2021.

Lời khai của ông Mai Tiến Dũng về chỉ đạo của “cấp trên” cùng lời chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn nhất quán với các chỉ đạo trước đó của ông, đã mở ra cánh cửa đưa lưỡi gươm của Bộ Công an đến gần ông Phúc.

Theo RFA, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Đảng cầm quyền sẽ phá lệ, truy tố cả thành viên “Tứ trụ” dù đã về hưu? Thông điệp gì sẽ được gửi cho hệ thống chính trị nếu truy tố cả thành viên “Tứ trụ”?

RFA dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho rằng Đại hội Đảng 14 sẽ đánh dấu một khởi đầu mới cho Việt Nam vì sự kiện này sẽ thay đổi lãnh đạo của Đảng trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Theo ông, một đường lối mới sẽ được vạch ra. Bất kỳ viên chức nào đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao cấp trong Đảng và Nhà nước, bao gồm cả “Tứ trụ” sẽ nhận được một thông điệp rõ ràng rằng, tham nhũng và không giám sát nghiêm ngặt cấp dưới sẽ phải chịu hình phạt.

RFA lưu ý, nguyên tắc bất thành văn “không trảm tứ trụ” ít nhất cho đến nay vẫn được duy trì.

Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc bị “trảm” thì đây là lần đầu tiên một “Tứ trụ” bị xử lý hình sự.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ – nhà phân tích chính trị, cho hay, ông Nguyễn Xuân Phúc dù đã về hưu nhưng vẫn nắm trong tay khả năng ngáng đường Tổng bí thư Tô Lâm. Và vì thế ông Phúc sẽ là đối tượng cần bị loại bỏ.

Vẫn theo RFA, các nhà quan sát chính trị Việt Nam nhận định rằng, quyết định của giới lãnh đạo đối với số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới đi hay ở của các thành viên “Tứ trụ” hiện thời.

RFA dẫn bình luận của Giáo sư Zachary, từ Hoa Kỳ, cho rằng, trên đường đến Đại hội 14, số phận ông Nguyễn Xuân Phúc bị treo lơ lửng ở thời điểm này, qua việc công bố lời khai của ông Mai Tiến Dũng trên báo chí, cũng như các sự kiện khác, như vụ án AIC liên quan đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, vụ việc bất ngờ cảnh vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile vì quấy rối tình dục… đều đang góp phần củng cố con đường đi đến Đại hội 14, sự kiện sẽ quyết định ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2026 – 2030.

Các nhà quan sát chia sẻ một nhận định chung rằng ông Tô Lâm sẽ là trường hợp đặc biệt duy nhất tại Đại hội đó.

 

Quang Minh – thoibao.de