Ngày 14/11, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin, vào ngày 13/11, sư Thích Minh Tuệ (tên khai sinh Lê Anh Tú, trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai), đã gửi một lá đơn đến cơ quan chức năng, về việc yêu cầu không tụ tập đông người, và phát tán hình ảnh cá nhân của ông lên mạng xã hội.
Trong đơn, người viết xưng “con” với cơ quan chức năng, nghe có vẻ rất quen thuộc. Lá đơn này được in dấu mờ, độc quyền phát hành của báo Gia Lai. Tuy nhiên, một lá đơn gửi cơ quan chức năng, nhưng chủ thể lại dùng pháp danh “Minh Tuệ”, chứ không dùng tên khai sinh là Lê Anh Tú, là điều khiến nhiều người đặt nghi vấn.
Đáng nói là, một số nguồn tin từ ngành công an, từng cho thoibao.de biết rằng, chính quyền đánh giá trường hợp sư Thích Minh Tuệ là vô cùng khó giải quyết. Đảng vốn rất e ngại việc hình thành đám đông không do Đảng dẫn dắt. Họ cũng không thể để sư Minh Tuệ được ngưỡng mộ, được nổi bật hơn lãnh tụ của họ. Nhưng họ lại không tìm được lý do gì để giam giữ ông, đồng thời, họ cũng không thể cưỡng bức, cấm ông khất thực. Trong khi, việc ngăn chặn, không để hình thành đám đông đi theo sư Thích Minh Tuệ, là nhiệm vụ bắt buộc do lãnh đạo Trung ương yêu cầu.
Trước sự khó khăn này, việc mạo danh nhà sư để dẫn dắt người mến mộ ông, được cho là giải pháp khả dĩ nhất. Nguồn tin nội bộ cho biết, kế hoạch giả danh nhà sư để “lùa gà” những người mến mộ ông, theo ý đồ của Đảng, đã được cấp cao của ngành công an bàn bạc, và tập huấn nhiều lần. Có lẽ vì thế, “lá đơn” của sư Thích Minh Tuệ ra đời.
Tuy nhiên, để kiểm chứng xem lá đơn nói trên của sư Thích Minh Tuệ, hay là giả mạo, là điều khó khăn.
Khi lá đơn nói trên được báo nhà nước tung ra, cộng đồng mạng đã lôi ra được nhiều mẫu chữ viết của sư Thích Minh Tuệ, trong nhật ký của nhà sư, khi ông thực hiện ước nguyện tu theo hạnh đầu đà. Trong các bản ghi chép ấy, nhà sư ký tên là Lê Anh Tú, chứ không phải là “Minh Tuệ”, như trong lá đơn mà nhà cầm quyền Cộng sản tung ra. Đáng nói hơn, mẫu chữ trên tờ đơn ký tên “Minh Tuệ”, và mẫu chữ trên các tờ giấy khác ký tên Lê Anh Tú, là 2 mẫu chữ hoàn toàn khác nhau. Người bình thường cũng có thể phân biệt được, không cần đến các chuyên gia giám định.
Tuy các mẫu văn bản trên đều là mẫu viết tay, và dễ dàng nhận thấy đấy là chữ của 2 người khác nhau, nhưng không có gì đảm bảo rằng, một trong 2 mẫu trên là giả, hay cả 2 đều là giả. Nếu nói, nhà cầm quyền Cộng sản có thể giả được lá đơn của sư Thích Minh Tuệ, thì việc một ai đó trên không gian mạng, làm giả văn bản còn lại, cũng không phải là không có khả năng.
Trong trường hợp này, chỉ khi sư Thích Minh Tuệ lên tiếng trực tiếp, và không ở trong hoàn cảnh bị ép buộc, thì mới có thể xem là lời xác nhận đáng tin cậy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy nhà sư xuất hiện.
Có thể nói, phía nhà cầm quyền có động cơ rõ ràng. Họ muốn lợi dụng lòng mến mộ của dân chúng đối với nhà sư, để định hướng người dân theo ý họ. Còn nếu là một ai đó giả mạo, thì hoàn toàn không có động cơ. Hơn nữa, nhà cầm quyền hoàn toàn có thể tiếp xúc, trực tiếp hỏi nhà sư về vấn đề này, nếu kẻ giả mạo không phải là họ.
Đây là câu hỏi to tướng, mà phía chính quyền khó có thể giải thích cho dân chúng thông.
Khả năng cao, chính nhà cầm quyền Cộng sản làm ra lá đơn giả mạo kia. Bởi họ độc quyền báo chí, nên dễ dàng tạo ra kịch bản, để dắt mũi dư luận theo ý của họ. Rất khó để họ thuyết phục được những người cẩn trọng, nhưng lại dễ dàng dắt mũi người cả tin. Mà trong xã hội này, người cả tin vẫn nhiều hơn người cẩn trọng. Nên dù có dựng kịch bản sơ hở đến mấy, thì nhà cầm quyền cũng thu được một kết quả nhất định.
Thái Hà – Thoibao.de