Sau cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng, tưởng chừng như, cựu Thủ tướng Ba Dũng có cơ hội trỗi dậy, dẫn dắt cánh miền Nam “đứng lên”. Đặc biệt, mối quan hệ giữa Ba Dũng và Tô Lâm đã được công khai. Vừa có ân nghĩa với Phạm Minh Chính, vừa thân thiết với Tô Lâm, tương lai của nhánh Ba Dũng dường như rộng mở. Rất nhiều tờ báo nước ngoài cũng chú ý đến lợi thế này. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, sau cái chết của ông Trọng, thế lực mạnh nhất không phải là Tô Lâm, mà là Ba Dũng.
Có lẽ, những ý kiến trên đã quên rằng, dù Ba Dũng có mối quan hệ rộng, có đông đàn em, trong số đó có người đã và đang đứng trên đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, Ba Dũng là quan chức về hưu, ông đã không còn quyền lực trong tay, nên khó có thể làm chủ cuộc chơi. Người làm chủ cuộc chơi phải tự dựa sức mình, chứ không thể đi cậy nhờ thế lực khác.
Tô Lâm là Tổng Bí thư khác xa những đời tổng bí thư trước. Có lẽ, do ông xuất thân từ Công an, và cũng do ông là người đã tạo phản để chiếm ghế Tổng Bí thư, nên ông không có kế hoạch dùng người một cách cởi mở như những tổng bí thư tiền nhiệm.
Nhờ vào tập thể gốc Hưng Yên tại Bộ Công an mà Tô Lâm mới có được ngày hôm nay. Vậy nên, khi lên đến đỉnh cao quyền lực, ông vẫn kiên định dùng người Hưng Yên là chính. Người ngoài tỉnh được sử dụng rất hạn chế, chỉ trong một số trường hợp rất đặc biệt.
Cho đến nay, ông Tô Lâm vẫn chưa thu xếp cho ông Nguyễn Thanh Nghị vào bất kỳ vị trí nào trong Ban Bí thư. Mặc dù Ban Bí thư hiện nay rất thiếu người, do một số đã rời đi để nhận nhiệm vụ khác. Tô Lâm đang cố gắng ổn định vị trí cho Trần Lưu Quang và Nguyễn Duy Ngọc trong Ban Bí thư, và tìm cách đẩy 2 người này vào Bộ Chính trị, mở đường cho việc sắp xếp họ vào những chiếc ghế quan trọng. Tuy nhiên, điều này gặp phải sự chống đối từ nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nếu đưa Nguyễn Thanh Nghị vào Ban Bí thư, liệu Tô Lâm có đủ sức để đẩy cả 3 người vào Bộ Chính trị hay không?
Hiện có tin, Ba Dũng đang “dỗi” Tô Lâm. Tuy nhiên, Tô Lâm thà mất lòng, chứ không thể dễ dãi. Đệ tử ruột của Tô Lâm còn đang xếp hàng chờ đến lượt, thì Tô Lâm không thể gác đàn em lại, để giúp Ba Dũng. Vì thế, Nguyễn Thanh Nghị vẫn đang gặp khó khăn. Bài toán đưa Nguyễn Thanh Nghị vào Bộ Chính trị, quả là quá khó đối với Ba Dũng trong lúc này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có 3 người con, hai người con trai đầu và con út theo nghiệp chính trị, con gái giữa thì làm kinh tế. Nguyễn Thanh Nghị như đầu tàu, kéo cho đoàn tàu nhà Ba Dũng tiến lên. Nếu đầu tàu không tiến được, thì phần phía sau cũng phải dừng lại.
Nguyễn Minh Triết đang là Bí thư Trung ương Đoàn, tuy nhiên, vị trí Bí thư Thường trực vẫn còn xa tầm với, nên xuất Ủy viên Trung ương Đảng cũng không đến được tay. Ở tuổi của Nguyễn Minh Triết hiện nay, Nguyễn Thanh Nghị đã là Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng.
Có lẽ, Ba Dũng tìm mọi cách để đưa Nguyễn Thanh Nghị tiến lên, để “đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt”. Nếu ông Nghị vào được Bộ Chính trị, chứng tỏ, thế lực đương thời đang hậu thuẫn cho nhà Ba Dũng. Bằng không, Nguyễn Minh Triết cũng gặp khó. Bởi Trung ương Đoàn là võ đài thu nhỏ của Trung ương Đảng. Những suất cơ cấu cho vị trí Bí thư Thứ nhất và Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn cũng đấu nhau rất khốc liệt. Đặc biệt, 2 suất này còn được chỉ đạo từ thế lực ở thượng tầng, tức Bộ Chính trị.
Dù nóng lòng thế nào, thì Ba Dũng cũng phải đợi, phải chấp nhận việc Nguyễn Thanh Nghị chỉ xếp hàng sau đàn em thân tín của Tô Lâm. Mà đàn em Tô Lâm thì rất nhiều, nên không biết đến bao giờ mới tới lượt Nghị.
Có lẽ, cơ hội tốt hơn cho Nguyễn Thanh Nghị là ở nhiệm kỳ 2026 – 2031, còn bây giờ, Tô Lâm vẫn ưu tiên bài toán bố trí đồ đệ, để hoàn thành bộ khung quyền lực cho mình.
Hoàng Phúc – Thoibao.de