Ngày 3/4, RFA Tiếng Việt có bài “Luật Lực lượng an ninh cơ sở: tăng cường mạng lưới giám sát dân?”
Theo đó, tại Hội nghị ngành Công an được tổ chức ở Hà Nội hôm 2/4, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, đã đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, và các nhiệm vụ công tác trọng tâm để triển khai thi hành.
RFA dẫn lời anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, cho rằng:
“Đối với tên gọi, thì nên sửa thành “lực lượng bảo kê” mới đúng hơn… Vì trên thực tế, công an hiện đã luồn sâu vào từng ngóc ngách xã hội để kiểm soát người dân, nhưng tội phạm càng ngày càng tăng. Có những tụ điểm đá gà, cờ bạc do chính công an quản lý, cho phép hoạt động. Thì rõ ràng đây là bảo kê tội phạm chứ không phải bảo vệ người dân.”
“Lực lượng công an chính quy hiện nay đã có mặt tại từng xã, từng địa phương, cùng với gần 300.000 dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên nhưng tất cả vẫn không thể đảm bảo được an ninh xã hội. Tức là đông nhưng không có chất lượng, làm thất thoát ngân sách lên tới 3.500 tỷ (đồng) mỗi năm mà vẫn không bảo vệ được an ninh trật tự.”
RFA cũng dẫn lời cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí, từ Hà Nội, cho rằng:
“Bộ máy an ninh cảnh sát giờ thêm lực lượng an ninh cơ sở là phình ra quá lớn. Việt Nam luôn nêu cao vai trò của dân, như công an nhân dân, quân đội nhân dân… Và từ khi mới thành lập chế độ này đã nhấn mạnh thế trận lòng dân trong quốc phòng lẫn an ninh, nhưng thật sự ra tóm lại không được lòng dân. Tôi nghĩ một khi đã mất lòng dân, dân đã không tin, không giúp đỡ, không tạo điều kiện, không hỗ trợ… thì lực lượng an ninh quân đội có tăng quân số lớn đến bao nhiêu, vẫn không bảo đảm được trật tự an toàn xã hội.”
“Ông Tô Lâm khi phát biểu trước Quốc hội có nói có nói “dân biết hết, nhưng công an không biết, chính quyền không biết…” Tôi thấy ông Tô Lâm đã nhìn ra được bản chất của vấn đề, tức là cơ bản nhất vẫn là phải ở dân. Nhưng dân biết hết người ta không báo cho công an, có nghĩa là giữa công an đã có khoảng cách với dân. Ngày xưa chúng tôi hay nói đùa “quân với dân như cá với nước”, thì bây giờ “quân với dân như cá với thớt”… người ta không tin, người ta không giúp, không hỗ trợ chính quyền… Vì chính quyền không thuộc nhân dân, không phục vụ lợi ích nhân dân, nên người ta mặc kệ.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ nói với RFA rằng, việc làm của Bộ Công an cho thất rõ hơn về bản chất phản động của chế độ, qua một số điểm như sau:
“Thứ nhất, trong thời bình, tại sao lại cần gia tăng gần cả 300.000 người cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự? Phải chăng, Bộ Công an với quân số chính quy cực lớn, chiếm ngân sách vượt gấp nhiều lần so với khoản ngân sách dành các ngành dân sinh như giáo dục, y tế… nhưng lại tỏ ra rất kém cỏi về hiệu quả, đến mức, phải thành lập thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.”
Thứ hai, theo Luật sư Mạnh, về phương diện kinh tế, với gần 300.000 nghìn người tham gia lực lượng, thì nền kinh tế sẽ mất ngần ấy người lao động, chưa kể phải lo ngân sách để duy trì việc trả lương cho họ.
“Thứ ba, Bộ Công an không hề che dấu mục tiêu trình Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo đó, họ sẽ thành lập các nhóm bảo vệ an ninh, trật tự đến từng tận tổ dân phố/thôn trong cả nước. Cho thấy, chế độ vẫn luôn xem nhân dân như là thế lực thù địch tiềm tàng, nên cần phải bổ sung thêm lực lượng để kiểm soát chặt chẽ họ.”
“Thứ tư, từ năm 2011, Bộ Công an đã từng được Quốc hội phân công việc soạn thảo các dự án luật biểu tình, luật lập hội… Thế nhưng họ đã hẹn lần khân cho đến nay. Trong khi đó, họ liên tục trình các dự án luật với mục đích nhằm khống chế, kiểm soát chặt chẽ và đàn áp các quyền tự do căn bản đối với người dân. Điều này đã thể hiện rõ bản chất độc tài thông qua giải pháp công an trị của chế độ.”
Minh Vũ – thoibao.de