Nếu để ông Võ Văn Thưởng ngồi ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ, còn Tô Lâm về vườn, thì có lẽ, đây là giải pháp an toàn nhất. Bởi không tranh đoạt quyền lực thì bản thân ít gặp nguy hiểm. Chỉ cần gầy dựng cho đàn em gốc Hưng Yên lên nắm quyền tại Bộ Công an, thì xem như Tô Lâm an tâm hạ cánh. Hầu hết quan chức đều hạ cánh an toàn, chỉ có Nguyễn Chí Vịnh là trường hợp ngoại lệ. Có lẽ, từng làm sếp Tổng Cục 2, ông Vịnh biết quá nhiều nên khiến ai đó sợ bị lộ.
Với ông Tô Lâm, khi về vườn, ắt ông cũng nắm không ít bí mật của các “đồng chí”. Cũng bởi vì nắm quá nhiều bí mật, nên ông mới “thay Tổng hành đạo”, và Võ Văn Thưởng là nạn nhân mới nhất. Tuy nhiên, nếu về vườn mà có đàn em nắm Bộ Công an, thì ông Tô Lâm ở sau hậu trường vẫn có thể giật dây.
Sự thật, tham vọng của Tô Lâm là ngôi “cửu ngũ chí tôn”, chứ không phải chức Bộ trưởng. Xưa nay, ai nắm binh quyền thì người đó có cơ hội tạo phản lớn nhất. Và thường cũng chỉ có các quan võ mới tạo phản. Tô Lâm là quan võ, và ông cũng đang nắm lợi thế trong tay, ông hoàn toàn có thể nói chuyện bằng vũ lực.
Từ đầu năm đến nay, đa số các vụ bắt bớ mang dấu ấn của Tô Lâm, hơn là của ông Tổng Bí thư. Có thể nói, ông Tô Lâm đang “thay Tổng hành đạo” nhưng lại không làm theo ý ông Tổng. Ông không còn bắt người theo quy trình của ông Tổng đưa ra, đồng thời cũng hạ luôn đệ ruột của ông Tổng.
Sự ngang ngược đạp lên uy quyền của sếp, lạm quyền, bắt người bừa bãi, đốn luôn cả trụ cột của sếp, chính là hành vi của kẻ tạo phản. Đây chẳng khác nào lời tuyên chiến mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm gửi đến các đối thủ còn lại. Trong tay Tô Lâm có binh quyền, ông tận dụng tối đa những lợi thế mà ông đang có. Ông không thích thương lượng, chỉ thích trảm tướng để đe dọa đối thủ. Nếu các phe khác không tìm cách đối phó Tô Lâm, thì họ có thể gặp hậu họa khó lường.
Kết quả phân chia quyền lực bị rò rỉ cho thấy, nếu Tô Lâm không chùn tay, thì các đối thủ của ông cũng không lùi bước. Tấn công Võ Văn Thưởng chỉ để lấy một chiếc ghế ngồi tạm, thì rõ ràng, đấy là hồi chuông báo động cho phe nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh. Nếu Tô Lâm vì quyền lực mà bất chấp, thì nhóm lợi ích chính trị khác cũng thế. Nếu Tô Lâm có binh quyền, thì nhóm khác có lợi thế quân đông trong Bộ Chính trị. Bên nào cũng muốn tận dụng tối đa lợi thế để chiếm thế thượng phong, và xem ra, Tô Lâm đang yếu thế.
Trước khi tạo phản, Tô Lâm ít có kẻ thù trong Đảng hơn bây giờ. Khi đó, các phe nhóm bị triệt hạ chủ yếu là nhắm vào Tổng Trọng, vì chính ông là người đốt lò. Thế nhưng, khi chính Tô Lâm cũng phản chủ, thì các “đồng môn” vốn cùng phe lò với Tô Lâm, cũng không thể nào ngồi yên để Tô Lâm muốn làm gì thì làm. Có thể nói, vì muốn “thay Tổng hành đạo”, giờ đây, Tô Lâm đang lâm vào tình cảnh “tứ bề thọ địch”.
Làm Chủ tịch nước mà đệ ruột không nắm được Bộ Công an, thì Tô Lâm lành ít dữ nhiều. Đã vậy, Tướng Nguyễn Duy Ngọc còn bị “lẻ bầy” khỏi Bộ Công an, thì sức bảo vệ cho chiếc ghế Chủ tịch nước mà Tô Lâm sẽ ngồi, mong manh hơn bao giờ hết.
Không biết, trong các hồ sơ điều tra phốt của các “đồng chí”, ông Tô Lâm còn những bộ hồ sơ mật nào có giá trị, để ngã giá quyền lực hay không? Bởi nếu đã quyết làm phản mà chỉ tính một phương án, thì rất rủi ro. Người cẩn thận luôn phải có phương án dự phòng. Nếu Bộ Công an bị kẻ khác kiểm soát, thì hồ sơ đen của các đồng chí, đặc biệt là các đồng chí trong Tứ trụ, sẽ rất có giá trị với Tô Lâm.
Hoàng Phúc – Thoibao.de