Vụ Chủ tịch Thưởng từ chức: Quyền lực vô đối của công an Việt Nam

Ai đã ép Chủ tịch Thưởng từ chức?

Ngày 18/3, RFA Tiếng Việt loan tin “Quốc hội họp bất thường về “vấn đề nhân sự”, có khả năng bàn chuyện Chủ tịch nước từ chức”.

RFA dẫn tin từ một hãng tin quốc tế cho hay, Quốc hội Việt Nam dự kiến họp bất thường vào ngày 21/3, để thảo luận về “các vấn đề nhân sự” chưa được xác định, theo một lá thư gửi cho các nhà lập pháp, trong bối cảnh có đồn đoán về một cuộc cải tổ ban lãnh đạo cao nhất của đất nước do Cộng sản cai trị.

Theo RFA, nhiều quan chức, nhà ngoại giao Việt Nam cho hãng thông tấn có trụ sở ở Anh Quốc biết, khả năng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức có thể là một trong những vấn đề nhân sự mà Quốc hội sẽ thảo luận.

Một quan chức Việt Nam được thông báo về vấn đề này, đã xác nhận có cuộc họp, nhưng các cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Quốc hội không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

RFA dẫn ý kiến của Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà quan sát thời sự Việt Nam sống tại Hoa Kỳ, nói rằng, các cuộc họp bất thường của Quốc hội Việt Nam đã trở nên bình thường, vì những bất ổn gần đây ở các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Ông Quân cho biết, dù truyền thông nhà nước chưa đưa tin về cuộc họp, nhưng các bài đăng trên mạng xã hội khiến ông tin rằng, Chủ tịch nước sẽ từ chức để chịu trách nhiệm về vụ việc tham nhũng liên quan đến quan chức tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi.

Ông cho rằng, người có khả năng thay thế ông Thưởng là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Luật sư Quân nhận xét:

“Gần đây, Bộ Công an được cấp rất nhiều ngân sách, Bộ Công an có rất nhiều quyền lực, Bộ Công an tác động để quốc hội ra rất nhiều đạo luật để bảo vệ cho ngành công an.”

“Bộ Công an thực tế đang củng cố quyền lực của mình một cách vững chãi, mạnh mẽ và giống như cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng, để  thực thi các công việc chống tham nhũng “đốt lò”, hay nói cách khác là trấn áp những đối tượng mà bản thân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như là Bộ Công an thấy rằng không phù hợp, trong đó, vừa có các quan chức lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, lẫn các nhà hoạt động tự do dân chủ.” 

 

Phóng viên RFA chiều 18/3 đã gọi tới Văn phòng Quốc hội, để xác nhận chi tiết về cuộc họp hôm thứ Năm (21/3) sắp tới, tuy nhiên, cán bộ nhấc máy nói “không biết”.

RFA nhắc lại một tuyên bố từ Hoàng gia Hà Lan, theo đó, chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội của Nhà vua và Hoàng hậu, theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự kiến vào tuần tới, đã bị hoãn lại theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, “do tình hình trong nước”.

Lịch trình đăng tải hồi tháng 2 cho thấy, Chủ tịch nước và phu nhân sẽ đón tiếp Nhà vua và Hoàng hậu trong ngày 19/3, duyệt đội danh dự. Trong cùng ngày sẽ có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

RFA cũng đề cập đến cuộc họp bất thường của Quốc hội Việt Nam vào tháng 1 năm ngoái, để chấp nhận đơn xin thôi chức của Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, người đã phủ nhận việc bản thân và gia đình có liên quan đến Công ty Việt Á trong bài phát biểu sau cùng.

RFA cho biết thêm, ông Thưởng, 53 tuổi, giữ chức Chủ tịch nước vừa mới tròn một năm. Chủ tịch nước tuy chỉ là chức vụ giữ vai trò mang tính nghi lễ, nhưng lại là vị trí biến động nhất trong “Tứ trụ”, trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chưa rõ, những đồn đoán về việc Chủ tịch Thưởng từ chức có chính xác không, nhưng một sự thật đã hiển lộ trước mắt công chúng và quốc tế, đó là: Nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thối nát đến mức không cần màu mè che đậy nữa.

 

Thu Phương – thoibao.de