Bất chấp những đồn đoán về việc sức khỏe của Tổng Trọng lại tiếp tục có vấn đề, truyền thông nhà nước hoàn toàn không đề cập tới các hoạt động của Tổng Trọng, từ sau lần “bất ngờ” xuất hiện trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 15/1 cho đến nay. Điều này càng kiến công luận tò mò hơn.
Theo giới quan sát, kể từ cuối năm 2023 cho đến nay, liên tục có những đồn đoán liên quan đến tình trạng bệnh tình của ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng, việc ông Trọng ra vào bệnh viện, bất kể vì lý do gì, chắc chắn là điều có thật.
Chính trường Việt Nam hiện nay, Giáo sư Jonathan London thuộc Đại học Leiden University, Hà Lan, đã nhận xét: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ bất ổn, và không chắc chắn. “Liệu khoảng trống quyền lực này sẽ còn kéo dài trong bao lâu?”.
Khi quyền lực của Tổng Trọng đang đi xuống, kèm theo đó là thể trạng sức khỏe của ông Trọng được cho là không mấy khả quan. Lập tức, rộ lên các thông tin liên quan đến việc ông Trọng nghỉ, để truyền “ngôi báu” cho nhân vật kế cận. Cùng với đó là câu hỏi, ai sẽ thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, được quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo giới thạo tin, cuộc chuyển giao quyền lực lần này, nhìn bề ngoài, được tiến hành lặng lẽ, nhưng bên trong thì rất khẩn trương. Đó là lý do tại sao lại xuất hiện rất nhiều thuyết âm mưu. Kể cả, cuộc đấu đá quyết liệt đến mức, mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã phải hoãn họp một kỳ họp bất thường.
Theo BBC tiếng Việt, Giáo sư Alexander L. Vuving, từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã đánh giá:
“Các ứng viên có khả năng nhất kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, trong vai trò Tổng Bí thư là: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.”
Giới phân tích thì đánh giá khác, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư hiện nay là bộ “tam mã”: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; và Chủ tịch nước ông Võ Văn Thưởng. Nhưng cũng xin đừng quên một con ngựa ô bất kham có tên là Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Trong số 4 người vừa kể, ông Võ Văn Thưởng được cho là có hội đủ nhiều yếu tố đạt yêu cầu của Tổng Trọng. Song, Võ Văn Thưởng còn ít tuổi, kinh nghiệm cũng như uy tín chưa “chín”. Còn Phạm Minh Chính hay Vương Đình Huệ, về năng lực, chuyên môn và kinh nghiệm có thể tạm chấp nhận. Nhưng dư luận đánh giá, 2 ông Chính và Huệ uy tín chưa thực sự cao, và đều có điểm yếu trầm trọng, đó là vấn đề đạo đức, vì có quan hệ tình ái “ngoài luồng”.
Trên mạng xã hội, trong các diễn đàn chính trị Việt Nam, người ta lan truyền và chia sẻ các tin tức liên quan đến cuộc đua này. Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm còn mở mũi tấn công để hạ uy tín các cựu thủ lĩnh Đoàn Thanh niên, như Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai.
Trước đó, ông Tô Lâm và Bộ Công an liên tiếp xử lý các vụ án có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – một nhân vật được cho là có mối quan hệ trên mức tình cảm với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tất nhiên, mục tiêu của Tô Lâm là hạ uy tín của ông Chính.
Theo giới phân tích, Tô Lâm là nhân vật có tham vọng trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ rất lâu. Đồng thời, Tô Lâm là nhân vật duy nhất có quyền uy tuyệt đối trong Đảng, nếu so với các lãnh đạo chủ chốt của Đảng hiện nay. Bởi Tô Lâm có ưu thế nắm được toàn bộ “thóp” của từng lãnh đạo cấp cao ở Ba Đình.
Bằng việc phanh phui hàng loạt đại án, như “chuyến bay giải cứu”, “kit test Việt Á”, AIC,… ông Tô Lâm đã khẳng định vị trí độc tôn. Đồng thời, ông cũng tỏ ra là người đang nắm quyền lực thống trị, trên bàn cờ chính trị Việt Nam. Tô Lâm đã chứng tỏ rằng, ông ta là người có quyền sinh, quyền sát trong toàn bộ hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, để trở thành ông vua trong Đảng.
Nhưng việc Bộ trưởng Tô Lâm, mở quá nhiều mặt trận, để tấn công hầu hết các ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng Bí thư, đã vô tình thúc đẩy các cá nhân và phe nhóm khác buộc phải liên hiệp lại, để đáp trả ông.
Đó là lý do tại sao, mới đây, đã xuất hiện các tin tức về cuộc đua vào vị trí thay thế cho Tổng Bí thư, giữa Đại tướng Công an Tô Lâm, với Đại tướng Quân đội Phan Văn Giang. Hiện, lợi thế đang nghiêng về bên quân đội. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhận được sự ủng hộ của đa số Ủy viên Bộ Chính trị.
Gần đây, đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang âm thầm thực hiện một “cuộc đảo chính không tiếng súng”. Mục đích loại bỏ, và tiến tới tước ngôi vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, với tham vọng quá lớn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã và đang biến “bạn thành thù”, và khả năng “leo cao” thì sẽ ngã đau, là điều khó có thể tránh khỏi.
Bởi lẽ, “hai đánh một” không chột cũng què, chứ đừng nói thế trận “thiên la địa võng” hay “thập diện mai phục”. Chúng ta hãy chờ xem sự thất bại của Tô Lâm trong giai đoạn nước rút./.
Trà My – Thoibao.de
1.2.2024