Chống bạo lực học đường bằng bạo lực, sự dốt nát từ những cái đầu lãnh đạo!

Giáo dục Việt Nam hiện nay đã rách nát và không biết nên vá như thế nào. Tình trạng thầy đánh thầy, trò đánh trò, thầy đánh trò, trò đánh thầy… xảy ra rất nhiều.

Để xây dựng đất nước, quốc gia nào cũng bắt đầu từ giáo dục. Nền giáo dục tiến bộ là nền giáo dục làm trong sạch xã hội, hoặc ít nhất, cũng không để cho xã hội bẩn hơn. Tuy nhiên, với Chủ nghĩa Xã hội, thì nền giáo dục không thực hiện được nhiệm vụ làm sạch xã hội, mà ngược lại, lại bị xã hội nhiễm bẩn.

Bạo lực học đường chỉ là một góc nhỏ trong sự thối nát của nền giáo dục và phản ánh hiện thực xã hội. Ngoài xã hội, người ta sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, thì trong trường học có bạo lực học đường. Xã hội sử dụng công an trị, thì học đường có sao đỏ. Xã hội có tham nhũng thì nhà trường cũng có tham nhũng. Xã hội có tình trạng hạch sách vòi tiền dân, thì nhà trường cũng tìm cách móc túi học sinh (mà thực ra là móc túi phụ huynh) vv… Nói chung, nhà trường là bản sao của xã hội.

Ngày 12/12, báo Dân Trí có bài “Thành phố Hồ Chí Minh: Dạy võ tự vệ cho học sinh, giáo viên để chống bạo lực học đường”. Được biết, đây là chủ trương của Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, rõ ràng là, chính quyền thừa nhận, tình trạng bạo lực học đường đã đến hồi báo động – dấu hiệu của một nền giáo dục thất bại thảm hại.

Không rõ, vị nào trong Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh nghĩ ra cách cho giáo viên, học sinh học võ, để chống lại bạo lực học đường. Quả thật, đây là một ý tưởng cho thấy sự dốt nát của tầng lớp lãnh đạo ngành giáo dục của thành phố này. Bởi không thể chống bạo lực bằng bạo lực. Nếu làm như vậy, thì chỉ khiến cho bạo lực bùng phát hơn, chứ không thể nào dẹp được bạo lực học đường.

Phía lãnh đạo ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, học võ chỉ để ” tự vệ”. Nhưng ai có thể bảo đảm, khi đã có võ, thì những giáo viên, học sinh ấy có dùng võ để tự vệ, hay lại dùng để gây gổ? Ai kiểm soát được điều này? Hơn nữa, khi cho phép dùng bạo lực để chống lại bạo lực, thì sẽ không còn đạo đức, chính nghĩa, lẽ phải, pháp luật gì nữa, giữa người với người chỉ đối xử với nhau bằng nắm đấm. Khi đó, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ mạnh, và xã hội trở về thời hỗn mang, cá lớn nuốt cá bé.

Thực ra, học võ không sai, học võ có thể rèn luyện cơ thể, cải thiện thể chất và tâm tính con người. Võ thuật có thể sử dụng như một môn thể thao và võ thuật có thể sử dụng để bảo vệ kẻ yếu. Một học sinh có thể học võ từ nhỏ, nhưng cùng với đó cũng phải được học về đạo đức. Chỉ khi có đạo đức tốt, thì người học võ mới có thể sử dụng võ học để làm những điều tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng.

Điều cốt lõi để dẹp bỏ bạo lực học đường, là phải giáo dục đạo đức cho học sinh. Và việc giáo dục này không thể chỉ bằng những bài học giáo khoa, những lời rao giảng sáo rỗng, mà phải giáo dục bằng hành vi, bằng nêu gương.

Khi mà người thầy bước vào lớp học là đòi học sinh đủ thứ tiền, giống như những kẻ đòi nợ thuê, khi người thầy còn trù dập, nhằm thúc ép học sinh học thêm với thầy… thì không thể nào đào tạo ra những lớp học sinh có đạo đức được.

Các trường học dưới chế độ Cộng sản thường treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tuy nhiên, đó chỉ đơn giản là khẩu hiệu. Nhà trường Cộng sản đã thất bại cả trong dạy “lễ” và cả trong dạy “văn”, cho nên, nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa hiện nay chẳng khác nào một “nồi cám lợn”.

Một khi nền giáo dục đã không còn chữ “lễ”, thì việc khuyến khích học sinh học võ để tự vệ, chẳng khác nào khuyến khích chúng chiến với nhau. Ý tưởng này chính là hành động “lấy xăng chữa lửa”.

Nền giáo dục của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung, hiện đã quá nát, nhưng vẫn đang tiếp tục nát “nhuyễn” hơn nữa. Mà góp phần làm cho hệ thống giáo dục càng nát thêm, chính là những cái đầu dốt nát như kẻ nghĩ ra cách “cho học võ để chống bạo lực học đường”.

Ý Nhi – Thoibao.de