Việc Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lưu Bình Nhưỡng, để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, đã khiến cho công luận bất ngờ.
Nhưng số đông cho rằng, họ không tin, một người như cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một Luật sư, một cựu giảng viên Đại học Luật Hà Nội, quá hiểu biết pháp luật, lại cấu kết với xã hội đen. Việc Cơ quan Công an cáo buộc ông Nhưỡng có mối quan hệ với xã hội đen, hơn nữa lại tham gia cưỡng đoạt tiền của người khác, là điều khó thuyết phục.
Công luận có chung nhận xét, vụ bắt bớ ông Lưu Bình Nhưỡng sặc mùi âm mưu chính trị, triệt hạ phe cánh trong nội bộ Đảng. Chứ ở cái tầm như Lưu Bình Nhưỡng đâu có thể làm những điều đáng hổ thẹn như vậy?
Ông Lưu Bình Nhưỡng là một trong các Đại biểu Quốc hội của dân, là người biết và thường xuyên sử dụng mạng xã hội để nắm bắt và lên tiếng, cho các vấn đề xã hội mà người dân và dư luận quan tâm.
Việc bắt giữ và khởi tố đối với ông Lưu Bình Nhưỡng có nhiều dấu hiệu mờ ám, của các thế lực chính trị thù địch với ông và các nhóm lợi ích bị ông đụng chạm. Vì những phát biểu thẳng thắn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về các vấn đề xã hội, đã tổn hại đến lợi ích của các nhóm, các thế lực này.
Khả năng cao, việc bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng là quyết định từ Bộ Công an, chứ khó có thể là từ Bộ Chính trị. Vì đến trước ngày bị bắt, ông Nhưỡng vẫn giữ cương vị Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là quân của “sếp” Vương Đình Huệ. Việc bắt một Phó trưởng Ban của Quốc hội đâu có dễ, chưa chắc ông Huệ và ông Trọng đã chịu?
Nếu chịu khó quan sát chi tiết trong thông báo của Công an tỉnh Thái bình, thì “… bắt tạm giam ông Nhưỡng tối 14/11, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bị khám xét nhà ngay sau đó.”
Vẫn theo trang tin của Công an tỉnh Thái Bình, “Quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.”
Điều vừa kể liên quan gì đến những tiết lộ rò rỉ của giới thạo tin, cho biết, “Quan trọng là những nơi ông Nhưỡng ở và làm việc, cất giấu những chứng cứ, những bí mật của vô số “chuột cống”?”
Đáng chú ý, giới thạo tin còn tiết lộ, thực ra, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lọt vào tầm ngắm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình từ thời ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021).
Trong thời gian là Đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiều lần, Đại biểu Nhưỡng đã có những phát biểu thẳng thắn, chỉ trích lãnh đạo Đảng và nhà nước, đặc biệt đối với các cơ quan tư pháp. Với các phát biểu như: “Chưa bao giờ niềm tin vào Tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ!”; hay “Không được biến Quốc hội thành căn phòng kín gom góp lợi ích nhóm, cá nhân”.
Thậm chí, không hề ngần ngại, ông Nhưỡng đã chỉ rõ:
“Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo cao cấp, mà không khiêm tốn, thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, như là chúa rừng xanh, thái độ như tuần phủ, tri phủ, chánh tổng… Có người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vun vén đủ thứ, từ học hàm học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu đệ tử, sống xa hoa, thậm chí cờ bạc thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách, thì thử hỏi, sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng và ủng hộ?”
Thời gian gần đây, ông Lưu Bình Nhưỡng – với tư cách là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – còn rất quan tâm tới các vụ án tử tù oan. Ngày 27/9, ông Nhưỡng có cuộc gặp với cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Hay trước đó, vụ tử tù Nguyễn Văn Mạnh bị xử tử hình, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đã lên tiếng.
Những điều vừa kể, để thấy, ông Lưu Bình Nhưỡng đã gặp “sự cố” với Bộ Công an là lẽ tất nhiên, không có gì là lạ. Vì chỉ cần với lý do “nổi tiếng và được nhân dân tin yêu” thì ông Nhưỡng cũng thừa tiêu chuẩn để bị triệt hạ rồi.
Cho nên, rất khó để thuyết phục dư luận tin rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì tội danh mà Cơ quan Công an gán ghép cho ông./.
Trà My – Thoibao.de