Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư, Chính phủ đã trải qua 3 đời Thủ tướng. Tuy nhiên, chưa đời Thủ tướng nào bị công mạnh như đời ông Phạm Minh Chính. Các đời Thủ tướng trước, Chính phủ không thay đổi gì suốt nhiệm kỳ, đặc biệt là nhóm phụ tá, các cấp phó cho Thủ tướng, không bị đánh phá mạnh như hiện nay.
Ở nhiệm kỳ trước , trong Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, hay trước đó, Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, thì Thủ tướng có 5 phụ tá. Nhưng đến thời ông Chính, Chính phủ chỉ còn lại 4 cấp phó. Điều đáng nói là, chỉ mới nửa nhiệm kỳ, Chính phủ của ông Phạm Minh Chính lung lay dữ dội, đã có 3 cấp phó phải rời ghế, trong đó có 2 người bị đánh cho ngã ngựa, một người bị thuốc chết. Cho đến nay, chỉ có 2 ghế Phó Thủ tướng có người thay thế, còn ghế của ông Lê Văn Thành thì vẫn trống. Và hiện nay, chưa có Phó Thủ tướng Thường trực chính thức.
Trong 3 Phó Thủ tướng đương nhiệm hiện nay, chỉ có ông Lê Minh Khái được xem là người được ông Phạm Minh Chính tin tưởng, và cũng là thành trì của ông Phạm Minh Chính. Hai Phó Thủ tướng mới thay thế, được cho là không phải người do ông Thủ tướng chọn. Trong đó, ông Trần Lưu Quang còn là một mối nguy tiềm tàng đối với ghế Thủ tướng, nếu ông Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị trong thời gian giữa nhiệm kỳ. Còn ông Trần Hồng Hà là người của nhóm Nghệ Tĩnh. Nhóm này cùng với nhóm Nghệ An hiện đang rất được ông Tổng Bí thư trọng dụng.
Ngày 30/6/2017, ông Phan Văn Sáu – Tổng Thanh tra Chính phủ lúc đó – đã kéo quân đến Quảng Ninh thanh tra mọi ngóc ngách của tỉnh này. Sau đó, ông Sáu bị bay chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Người thay thế cho ông Phan Văn Sáu là ông Lê Minh Khái. Có ý kiến cho rằng, sau khi lên thay ông Phan Văn Sáu, thì chính ông Lê Minh Khái đã ém kết quả thanh tra ở Quảng Ninh của người tiền nhiệm. Được biết, không ít sai phạm ở Quảng Ninh thời ông Phạm Minh Chính bị khui ra, khi ông Lê Minh Khái không còn là Thanh tra Chính phủ, trong đó có vụ AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Đầu năm 2021, sau khi kết thúc Đại hội 13, thì như thông lệ, ông Phạm Minh Chính là người đề xuất lên Quốc hội danh sách Phó Thủ tướng. Nhưng việc chọn người thay thế cho những Phó Thủ tướng đã rụng, lại do Bộ Chính trị lựa chọn, sau đó triệu tập Trung ương Đảng họp bất thường và quyết định. Sự tác động của ông Phạm Minh Chính vào vị trí 2 cấp phó mới chọn sau này, không được sâu sắc. Quyền quyết định nằm trong tay Bộ Chính trị.
Cho đến nay, 4 Phó Thủ tướng được chọn ở đầu nhiệm kỳ đã rụng hết 3 người, điều này cho thấy, Chính phủ của ông Phạm Minh Chính không yên. Ông Lê Minh Khái được xem như là thành trì cuối cùng bảo vệ cho trụ Thủ tướng. Chưa có đời Thủ tướng nào bị phe cánh khác đánh phá mạnh như thời ông Phạm Minh Chính.
Còn một ghế Phó Thủ tướng trống do ông Lê Văn Thành để lại, nếu đưa được Nguyễn Thanh Nghị vào, thì có lẽ, sức mạnh của chân trụ Thủ tướng được bù đắp phần nào. Tuy nhiên, nếu Nguyễn Thanh Nghị không nắm được chức phó cho ông Phạm Minh Chính, mà để cho một người khác, hay thậm chí, vì giằng co mà bỏ trống, thì xem ra, nhiệm vụ chèo chống để đi hết nhiệm kỳ, đối với ông Thủ tướng là khá gian nan.
Đã từ lâu, người dân ví “triều đình” Cộng sản như là cơ thể sống của một động vật 4 chân, nên mới xuất hiện cụm từ “tứ trụ triều đình”, để chỉ 4 cái chân ấy. Mà bất cứ con vật 4 chân nào, muốn vững thì phải phân bổ tải trọng bản thân đều lên 4 chân trụ. Tuy nhiên, ở 4 chân trụ của Đảng Cộng sản thì không có sự phân chia đồng đều, chân trụ Tổng Bí thư quyết bắn phá chân trụ Thủ tướng. Mục đích là muốn thâu tóm hết quyền lực, để đặt lên một trụ duy nhất, 3 trụ còn lại chỉ như là những cái “chân gỗ”.
Ý Nhi – Thoibao.de