Khui AIC tại thành Hồ mà không lôi được Hai Nhật là thất bại của ông Tổng!

Năm 2014, Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM triển khai đề án sách giáo khoa điện tử cho học sinh tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3. Dự án này có kinh phí 4.000 tỷ đồng, để thay bộ sách giáo khoa giấy bằng máy tính bảng có tích hợp toàn bộ sách giáo khoa trong đấy. Máy tính bảng này có thương hiệu AIC Group.

Đây là dự án được xác định là do Sở Giáo dục Đào tạo làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực chất bên trong vụ này, là AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bắt tay với ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân. Những lãnh đạo này đã chỉ đạo miệng cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hồng Sơn thực hiện. Dự án sẽ không hề hấn gì, nếu người dân không phát hiện ra vấn đề của nó.

AIC đã cháy đến thành Hồ

Sự việc là, một công ty có trụ sở ở TP.HCM đã tiếp một đối tác đến từ Đài Loan, chào bán lô máy tính bảng y hệt như máy tính bảng của AIC Group, với những thông số y hệt như máy tính bảng trong đề án sách giáo khoa điện tử của TP.HCM. Điều đáng nói là, máy tính bảng này được đối tác Đài Loan chào giá 45 USD (khoảng 900.000 đồng) một chiếc. Nếu mua với số lượng lớn, giá có thể chỉ còn khoảng 500.000 – 700.000 đồng.

Như vậy, nếu bán cho học sinh với giá 4 triệu đồng/chiếc, thì nhóm của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân chia nhau đến 3.500 tỷ đồng.

Vụ việc vỡ lở nên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân hỏng năn. Khi sự việc này xảy ra, ông Giám đốc Sở Giáo dục Lê Hồng Sơn bị réo tên, trong khi hai nhân vật cộm cán trong chính quyền TP HCM thời đó vẫn bình an vô sự.

Sau 9 năm vụ án bị ém chìm xuồng, thì ông Nguyễn Phú Trọng lại cho Tô Lâm khui lại vụ này. Người đầu tiên bị bắt là cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, bà Trần Thị Bình Minh. Đây là phát súng đầu tiên của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng tấn công vào thành trì của Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân tại TP HCM.

Vụ AIC tại TP HCM được giới quan sát chú ý, vì nó liên quan tới những nhân vật đã từng gây tội ác tại Thủ Thiêm. Với sai phạm Thủ Thiêm sờ sờ ra đó, mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa làm gì được ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân, thì không biết, với vụ AIC, ông Nguyễn Phú Trọng có tiến xa hơn hay không.

Từ sau khi ông Lê Thanh Hải về hưu năm 2016, thì ông Trọng đã năm lần bảy lượt muốn hạ ông này, nhưng vẫn bất thành. Năm 2019, ông Tô Lâm cho bắt Lê Tấn Hùng, em ruột ông Lê Thanh Hải, đưa ra Hà Nội khai thác, nhưng đến nay vẫn chưa có tác dụng gì. Ông Lê Thanh Hải vẫn bình chân như vại.

Năm 2020, ông Trọng cho bắt Tất Thành Cang, người được ông Lê Thanh Hải nâng đỡ để lên tới chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM. Thế nhưng, thành trì của Lê Thanh Hải vẫn sừng sững.

Rồi đến năm 2022, ông Nguyễn Phú Trọng cho tấn công vào sân sau của Lê Thanh Hải, là Vạn Thịnh Phát. Nhưng cho đến giờ, cũng không thấy làm gì được ông cựu Bí thư Thành ủy TP. HCM.

Đấy là những gì đã diễn ra. Trong thời gian tới đây, liệu ông Tô Lâm có sờ được đến Lê Thanh Hải hay không, thì phải chờ xem. Nếu không quật được Hai Nhật (tức Lê Thanh Hải), thì xem như đấy là thất bại của ông Tổng Bí thư.

Những năm qua, ông Nguyễn Phú Trọng dựng lò và đốt được cũng nhiều. Tuy nhiên, cũng có những loại củi quá lớn, mà dường như, nó không vừa với lò của ông. Nếu cố tống những thanh củi này vào, có khi vỡ miệng lò của ông Tổng Bí thư mất.

Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được lập ra để cấu kết với rất nhiều nhân vật lớn, từ Trung ương đến địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thân quen đến 2 đời Thủ tướng, chứ không phải một đời. Gần như hai nhân vật này là bất khả xâm phạm. Ngoài ra, còn có hai ông cựu lãnh đạo họ Lê của TP. HCM nữa. Hai nhân vật này được đánh giá là “cứng cựa”.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://tuoitre.vn/bat-cuu-pho-giam-doc-so-ke-hoach-va-dau-tu-tp-hcm-lien-quan-cong-ty-aic-20230708114556195.htm

https://vietnamnet.vn/4000-ty-dong-lam-sach-giao-khoa-dien-tu-193096.html

https://plo.vn/yeu-cau-giam-doc-so-gddt-tphcm-bao-cao-khan-vu-sgk-dien-tu-post296549.html

https://vietnamnet.vn/lo-may-tinh-bang-gia-beo-nguoi-lien-quan-len-tieng-194358.html