Ngày 17/2 năm nay, mạng xã hội lại nổi lên dòng chữ “17/2/1979 – nhân dân sẽ không quên”. Không quên là đúng, bởi nó là này mà quân ngoại bang phương Bắc đưa hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, để xâm lược Việt Nam.
Sau một tháng chiến đấu, quân Việt Nam cũng đẩy lui được kẻ thù, nhưng tội ác mà quân Trung Quốc để lại là vô cùng khốc liệt. Lẽ ra đây là ngày mà Đảng Cộng sản cần phải tổ chức kỷ niệm, tôn vinh và tri ân những người đã ngã xuống vì sự bình yên của bờ cõi biên cương; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ và nhắc nhở tất cả các thế hệ người dân Việt hôm nay và mai sau phải bảo vệ tổ quốc bằng mọi giá.
Ngày này toàn dân không quên, và chắc chắn, những vị anh hùng đã cầm súng năm đó không thể nào quên. Họ cần được tôn trọng, cần được tôn vinh. Tuy nhiên, vào ngày 17/2, các tờ báo lớn vẫn im thin thít không một dòng tin nào nói về sự kiện lịch sử này.
Thật là chua chát, khi mà kỷ niệm ngày 30/4/1975, Đảng Cộng sản ăn mừng rầm rộ và khoa trương, nhưng kỷ niệm ngày 17/2/1979 họ lại chôn vùi. Trong khi đó, ngày 30/4 là ngày mà anh em một nhà chém giết nhau, họ xem đó là niềm vui, còn ngày chiến tranh với ngoại bang thì họ lại giấu. Họ giấu vì lý do gì?
Thực ra, họ sợ người anh cả của Đảng họ nổi giận. Ông Nguyễn Phú Trọng là người chủ trương đưa chính trị càng ngày càng phụ thuộc Trung Quốc hơn. Ông Trọng hung hăng với đồng chí của ông bao nhiêu, thì ông nhu nhược với ông bạn vàng phương Bắc bấy nhiêu. Để mua “tình hữu nghị” bất bình đẳng với kẻ thù phương Bắc, ông Trọng đạp lên sự hy sinh của những anh hùng vị quốc vong thân, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sinh mạng và đời sống cho dân.
Người Việt có câu: “bán bà con xa mua láng giềng gần”, tuy nhiên Cộng sản không phải làm vậy, họ bán cả anh em ruột thịt để mua láng giềng gần. Ngay cả loài thú hoang nó cũng biết bảo vệ anh em ruột thịt trước đồng loại không quan hệ máu mủ. Thế nhưng Đảng Cộng sản cảm thấy rất tự hào khi họ đánh sập Việt Nam Cộng hòa – một nhà nước của người Việt – chỉ vì họ khác người Cộng sản về ý thức hệ. Trong khi đó, họ không hề thấy một chút tự hào nào khi đuổi được kẻ thù phương Bắc ra khỏi bờ cõi. Công lao đánh đuổi giặc phương Bắc là của chính quyền Cộng sản, vậy mà họ chọn cách ém giấu ngày này, vì sợ “anh cả” của nó.
Phải có Ban Tuyên giáo chỉ đạo, nên 4 tờ báo lớn gồm: báo Nhân dân, báo VTV, báo VOV và Thông Tấn Xã Việt Nam, mới câm như hến vậy. Cuối tháng 10/2022, ông Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh và được ông Tập Cận Bình trao tặng cái gọi là “huân chương hữu nghị”. Huân chương này như sợi dây thòng lọng, không những tròng vào cổ ông Trọng, mà còn tròng vào cổ Đảng Cộng sản Việt Nam, và cũng tròng vào cổ dân tộc Việt Nam. Cổ đeo thòng lọng thì với ngày 17/2 thiêng liêng Đảng Cộng sản đã câm như hến.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang sợ giặc hay thờ giặc? Có ý kiến cho rằng, ông Trọng có cả hai. Ông ta vừa sợ “bạn vàng” phương Bắc và vừa tôn thờ kẻ này. Sợ là nguyên nhân, thờ là kết quả. Từ sợ mà sinh ra tư tưởng phục tùng và thờ giặc.
Sẽ không có sự đứng thẳng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi từ năm 1990, khi mà ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đến Thành Đô cầu hòa, thì đấy là bước ngoặt đưa đất nước dần rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Ai thân với Trung Quốc hơn thì người đó sẽ có lợi thế chính trị ở Việt Nam. Đó là thực tế. Thực tế này đã hút những kẻ tham quyền sẵn sàng làm mọi cách để chiếm ưu thế chính trị.
Việt Nam hiện nay ở trong tay một tập đoàn chính trị không biết tự chủ, không độc lập. Họ không hiên ngang đứng thẳng mà họ chọn cách đứng “khom lưng” cạnh ông hàng xóm tham lam và đầy dã tâm.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)