Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên: tín hiệu gì?

Link Video: https://youtu.be/jg-cytXmwdI

Hôm 8 tháng 12 năm 2021, trước khi tham dự buổi Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Thực tế, tỉnh Hà Giang được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1891 bao gồm phủ Tương Yên và huyện Vĩnh Tuy thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Tháng 12 năm 1974, tỉnh Hà Tuyên được thành lập bằng cách hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tại kỳ họp thứ 9 khoá VIII, Quốc hội Việt Nam lại quyết định chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Với những dữ liệu vừa nêu, một số nhà quan sát cho rằng, mục đích chính của ông Nguyễn Xuân Phúc đến Hà Giang không nhằm kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh này, mà thực chất là ông Phúc muốn đến thăm nghĩa trang Vị Xuyên nhằm gửi đi một vài tín hiệu cho Bắc Kinh.

Ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thắp hương tại mộ các liệt sỹ trong nghĩa trang Vị xuyên, một hành động hiếm có suốt vài chục năm qua

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu nhận định của ông với RFA vào sáng ngày 9 tháng 12:

Câu hỏi thứ nhất là tại sao ông ấy lại đi vào lúc này và sáng đi tối về luôn, không đi thăm ai hết.

Ngày xưa Trung Quốc đánh Việt Nam là ngày 17 tháng 2, trận Vị Xuyên ngày 12 tháng 7, như thế ngày ông Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên chả ăn nhằm vào đâu cả.

Đấy là một tín hiệu đối với Bắc Kinh.

Tín hiệu thứ nhất là Việt Nam không quên bọn xâm lược.

Tín hiệu thứ hai là ông Phúc vừa ở Nga về, ông Phúc ký với Nga một số thỏa thuận về an ninh rất tốt và có quyền tin vào sự hậu thuẫn của Nga tốt hơn trong vấn đề an ninh và các hợp tác khác.

Thứ ba, do ông Phúc là một chính khách nên hoạt động đó là một tín hiệu gửi đến cho người dân, cho những người trong ban chấp hành trung ương ĐCSVN và những người khác trong Bộ chính trị nữa.”

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem quân tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’.

Hai nước trở thành kẻ thù của nhau.

Ảnh: Cuộc động binh quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ. Trong ảnh, xe tăng Trung Quốc vượt sông vào Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979.

Đến năm 1991, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong công cuộc chống bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến 1989.

Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1990 đến 1991 mới hoàn thành trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã chấm dứt và trong hoàn cảnh quan hệ Việt Trung đã trở lại bình thường.

Tháng 4 năm 1979, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người.

Phía Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương. Còn theo tạp chí Time thì có khoảng 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng và trên 20.000 lính Trung Quốc tử vong.

Tướng Ngũ Tu Quyền, Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng Trung Quốc, tuyên bố rằng số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000.

Cho đến nay, không có bất cứ số liệu nào chính thức và khả tín về con số thương vong của quân dân hai bên trong cuộc chiến ngắn ngủi và khốc liệt khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước vào ngày 17 tháng 2 và rút quân sau đó một tháng.

Theo quan điểm của Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, ông Nguyễn Xuân Phúc là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên từ năm 1991.

Ông phân tích:

Năm 2011, khi Hà Giang kỷ niệm 120 thành lập tỉnh thì người cao nhất trong Đảng và Nhà nước tham dự lễ là Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Năm 2016, khi Hà Giang kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh nhà thì người cao nhất tham dự buổi lễ này là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Tuy nhiên, cả bà Ngân và ông Bình đều không hề thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Ảnh: quân lính Trung quốc bị quân đội Việt nam bắt giữ trong chiến tranh biên giới Việt trung năm 1979

Theo tôi, việc ông Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên là ông ta muốn đưa ra thông điệp rằng, bất cứ trong hoàn cảnh nào, bất cứ trong môi trường chiến lược nào mà ai động chạm đến độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì Việt Nam sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước như là những liệt sĩ nằm ở nghĩa trang Vị Xuyên đã anh dũng chống bọn xâm lược Trung Quốc trong 10 năm từ 1979 đến 1989.”

Việt Nam luôn tuyên bố coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khẳng định: Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, theo một số nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước thì hai nước chỉ tốt với nhau ngoài mặt.

Tuy Việt Nam phải nhẹ giọng vì thua kém Trung Quốc cả kinh tế và quốc phòng nhưng không nhân nhượng với “anh hàng xóm xấu bụng” này.

Cụ thể, hôm 9 tháng 12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối việc một số hackers được cho là có sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc tấn công vào Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản và Quốc hội của Chính phủ Việt Nam.

Trước đó tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức chiều 7-10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi liên quan bộ phim Quân đội Vương Bài của Trung Quốc với các chi tiết xuyên tạc lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam những năm thập niên 1980.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý đến các thông tin liên quan Quân đội Vương Bài.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn và khách quan“, bà Thu Hằng khẳng định.

Hồi tháng 9, mạng xã hội Baidu của Trung Quốc đã công chiếu Trailer phim Quân đội Vương Bài.

Theo thông tin giới thiệu từ Baidu, bộ phim có mốc thời gian 1983, các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây – một tỉnh giáp biên giới với Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam.

Trong trailer phim có các phân cảnh quân đội Trung Quốc giáp lá cà và đánh với đối phương là những người “ngụy trang trong lớp lá cây, cỏ”, “dùng súng tiểu liên AK“.

Không chỉ vậy, trang phục mà các diễn viên Trung Quốc mặc trong bộ phim này trùng khớp với quân phục giai đoạn họ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979.

Nhiều khung cảnh xuất hiện trong trailer, quân đội Trung Quốc bắn pháo binh. Pháo binh cũng là lực lượng được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong các trận chiến ở Vị Xuyên (Hà Giang), chiến địa được những người lính Việt Nam vệ quốc hơn 30 năm trước gọi là “lò vôi thế kỷ” với hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên các cao điểm núi đá biên giới Việt – Trung.

Trên Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc), một tài khoản lan truyền những thông tin lịch sử sai sự thật được lồng vào phim Vương Bài: “Phim Vương Bài lấy bối cảnh phim là những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng, họ cũng bắt đầu có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc…”.

Một khán giả bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội: “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có hơn 1.700 liệt sĩ đang yên nghỉ, trong đó vẫn có gần 300 ngôi mộ “chưa biết tên” và một ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ hy sinh tại hang Sập.

Nỗi đau từ chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn đó, vậy mà họ dám đổi trắng thay đen, xuyên tạc lịch sử để xuất hiện trên phim như một anh hùng. Thật không thể tưởng tượng được!”.

Các bạn vừa xem bản tin tức và bình luận tổng hợp của Thoibao.de từ nguồn RFA Tiếng Việt và báo Tuổi trẻ về sự kiện viếng thăm nghĩa trang liệt sỹ Vị xuyên của CTN Nguyễn Xuân Phúc.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Việt Nam hiện đang bỏ tù 23 nhà báo, xếp thứ tư thế giới sau Trung Quốc

>>> Việt Nam: Hai vụ việc nổi cộm và nạn thiếu niềm tin vào lời chính quyền

>>> Tuyên bố bản quyền với ‘Tiến quân ca’ là vô nghĩa

Frank Snepp giải thích Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ Việt Nam Cộng hòa như thế nào


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT