Hà nội có chủ tịch mới – Đảng cử mà dân không bầu

Link Video: https://youtu.be/f_aJx0NX1DQ

Báo chí Việt nam đưa tin sáng ngày 25/9/2020, ông Chu Ngọc Anh – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội – được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, thay ông Nguyễn Đức Chung vừa bị bãi nhiệm.

Tuy nhiên giới quan sát không hài lòng vì việc bầu chọn chỉ có 1 ứng viên duy nhất và kết quả đạt 100% số phiếu bầu trong một cuộc bỏ phiếu kín.

Các ý kiến cho rằng việc bầu chọn như vậy là hình thức, giả dối, xem thường nhân dân còn “thua kém xa” so với thời phong kiến.

Giáo sư Mạc Văn Trang dẫn bản tin từ báo Vietnamnet để so sánh rằng Nữ thị trưởng thủ đô Tokyo Koike Yuriko đã cạnh tranh vượt qua 21 ứng viên được nhân dân bầu chọn với số phiếu suýt soát 60%. “[Người ta] Làm thị trưởng một cách công khai, đàng hoàng, Trước sự hân hoan của người dân đón mừng, chứ đâu phải dấm dúi [như ở Việt nam]!”, Ông Mạc Văn Trang nói.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu cho rằng dường như có một nỗi sợ hãi tranh cử từ cấp lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị Việt nam.

Điều ngạc nhiên là “Tại kỳ họp, không có đại biểu nào đề cử và tự ứng cử chức danh chủ tịch UBND TP Hà Nội, như báo đưa tin.

Vậy là hoá ra vẫn có “TỰ ỨNG CỬ VÀ ĐỀ CỬ VÀO CHỨC CHỦ TỊCH UBND TP HÀ NỘI” mà toàn thể nhân dân Hà Nội không được biết. Để chỉ mỗi một mình ông Chu Ngọc Anh được đề cử vào chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội!

Như vậy BẦU CỬ HÌNH THỨC ĐỂ LÀM GÌ?” – Ông Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi.

Trong ngày 25/9/2020, không chỉ một mình ông Chu Ngọc Anh nhận được 100% phiếu bầu. Bà Đào Hồng Lan cũng trong ngày 25/9/2020 nhận được 100%  phiếu bầu vào chức Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh. Trước đó, ngày 24/9/2020 ông Đỗ Đức Duy cũng nhận được 100% phiếu bầu cho chức Bí thư Yên Bái.

Tất cả nhân sự giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ đều do BCT quyết định. Trước kỳ đại hội, phương án nhân sự của các tỉnh đều phải thông qua bởi BCT.

Ảnh: tân chủ tịch Hà nội Chu Ngọc Anh Bí nhận bó hoa chúc mừng từ bí thư Vương Đình Huệ. Ông Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, có học vị tiến sỹ, là uỷ viên ban chấp hành trung ương, từng là phó bí thư rồi chủ tịch tỉnh Phú Thọ trước khi nắm bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

Vậy tổ chức bầu cử hình thức để làm gì cho tốn thời gian và tiền bạc?

Trong thời gian gần đây BCT đã điều chuyển 12 bí thư và chủ tịch tỉnh về các ban ngành trung ương. Nghĩa là sẽ có ít nhất là 24 cuộc bầu cử hình thức cho 12 vị trí thế chỗ trống và 12 vị trí mới đến. Trong năm 2020 có đến cả ngàn cuộc bầu cử hình thức.

Nhìn vào dàn nhân sự mà BCT đã duyệt vào các chức vụ Bí thư Tỉnh, Chủ tịch Tỉnh và các Bộ Ban Ngành ở Trung ương, thì không trông chờ gì ở Đại hội XIII. Đó toàn là những người nghe theo. Họ lọt ra từ bầu cử hình thức.

NỖI SỢ HÃI TRANH CỬ

Trong quản trị quốc gia, không có tranh cử công khai thì không chọn được người tài. Và như vậy, không có tranh cử công khai là kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Tại sao tất cả các cuộc bầu cử cho các chức vụ Bí thư và Chủ tịch Tỉnh đều chỉ có 1 đề cử duy nhất?

Đó là vì bầu Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội đều chỉ có 1 đề cử duy nhất. 

Nỗi sợ hãi tranh cử bắt đầu từ trên cao nhất, chứ không phải ở cấp tỉnh, huyện, xã. Sợ đến nỗi không cho xã, huyện, tỉnh tự do tranh cử. Vì nó sẽ cháy lan đến chức vụ cao nhất. Tất cả các tiêu chuẩn dài cả trang dành cho các chức vụ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội cuối cùng chỉ là để trốn chạy tranh cử.

Đứng ở vị trí cao nhất mà sợ tranh cử công khai thì làm sao đủ năng lực dẫn dắt?” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu đưa ra nhận định.

Ảnh: Thị trưởng Tokyo Koike Yuriko đã vượt qua 21 đối thủ khác để giành thêm một nhiệm kỳ nữa. Cuộc bầu cử năm 2020 ở Tokyo có số lượng ứng viên đông nhất từ trước đến nay, bà Koike Yuriko đã thuyết phục được người dân thủ đô Nhật Bản với số phiếu ủng hộ suýt soát 60%.

FB Nguyễn Văn Trấn cho rằng:

Bầu cử kiểu Việt Nam là kiểu bầu cử dân chủ cuội bậc nhất thế giới, nếu không nói là bịp bợm, dối trá, gian lận! Ai ai cũng biết, chỉ một người không biết.

Vì cấp trung ương làm gương như thế, nên cấp dưới cũng làm theo: trăm ngàn thứ giả dối, triệu triệu cái giả hình, kéo thêm bệnh thành tích, báo cáo láo, không ai muốn nghe các quan báo cáo, đọc diễn văn, hứa xạo quen mồm, hậu quả là cả xã hội dối trá, nói láo!

Huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen, cờ thi đua chất cao như núi, đến nỗi vào nhà, chẳng ai buồn ngó đến tấm huy chương, ngay chủ nhà cũng tự thấy ái ngại, đắng nghẹn, cay cay!

4 triệu đảng viên cộng với mấy chục triệu hội viên thuộc khác đoàn thể và tổ chức khác đều do đảng kiểm soát, nhưng xã hội Việt Nam đạo đức xuống cấp chưa từng thấy, tiêu cực và tội ác phát triển mọi cấp, mọi ngành.

Hôm qua là thiếu tướng, thượng tá, là anh hùng, đảng viên tiêu biểu… thì hôm nay đã là tội phạm tham nhũng, cầm đầu băng nhóm tội ác, hủ hoá, lạm quyền…” ông Nguyễn Văn Trấn nêu quan điểm.

Cũng cho rằng 100% là CON SỐ THẤT BẠI và tuyệt đối dối trá, nhà văn Tạ Duy Anh viết trên Facebook rằng:

Năm 2002, chỉ vài tháng trước khi bị lật đổ, Tổng thống I-rắc lúc ấy là Sadam Hussein đã tổ chức nhanh một cuộc bầu cử. Ông trúng 100 phần trăm số phiếu! Mỗi khi ông đến đâu, trong bộ quân phục khét tiếng, với dáng đi oai vệ, hàng vạn người nhanh chóng tụ lại thành đám đông đầm đìa nước mắt vì cảm động được thấy Tổng thống của mình, tranh nhau sờ vào vạt áo của ông, quỳ xuống hôn tay ông.

Ảnh: bầu cử ở Việt nam chỉ là hình thức, bởi lẽ dù có bầu ai thì cũng chỉ trong số những người mà Đảng Cộng sản đã chọn sẵn

Sau một tháng chiến tranh, chính những người sẵn sàng chết vì ông (100 phần trăm phiếu tín nhiệm cơ mà!) đã kéo đổ chổng kềnh bức tượng khổng lồ của ông, trong sự thoá mạ cực độ.

Mấy năm sau, ông bị lôi lên từ một cái hầm, hoàn toàn cô độc. Những người từng thèm một lần được hôn gấu quần ông, giờ đây thèm được tự tay thắt cái thòng lọng treo cổ ông cho hả, bởi họ chưa nghĩ ra cách để có thể giết ông hai lần.

Tám năm sau, đám đông gắn với Sadam Hussien lại tái sinh với trường hợp ông “Vua của các vị vua” tên là Gadaphi. Đến tận phút chót ông “siêu vua” này vẫn không tin cái đám dân chúng từng quỳ rạp xuống mỗi khi ông chiếu cố ra ngoài, lại đang săn ông khắp nơi, y như săn một con chuột đáng ghét nhất châu Phi.

Lâu hơn một chút, khoảng 30 năm trước, có lãnh đạo nào của Liên Xô và các nước Đông Âu khi được bầu lại dưới 100% số phiếu tán thành! Nhưng các nhà lãnh đạo “vĩ đại” của các nước ấy cùng với chính thể “bất diệt”của họ cuối cùng đều bị “nhân dân tuyệt đối tin tưởng” thêm một lần nữa thể hiện sự đồng lòng, nhưng lần này là để ném họ vào sọt rác.

Đó là Tiệp Khắc Năm 1989.

Tháng 12 năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Rumania do Nicolae Ceausescu đứng đầu bị sụp đổ, vợ chồng Nicolae Ceausescu bị xử bắn tại chỗ trong sự căm giận ngùn ngụt của chính cái đám đông từng 100% cúi rạp trước ông suốt hơn 40 năm.

Ngày 10 tháng 11 năm 1989 là ngày cuối cùng của Cộng hoà XHCN Bungari.

Cộng hòa Hungary sụp đổ vào ngày 23 tháng 10 năm 1989.

Ba Lan chuyển giao chính quyền luôn luôn trên 99 % phiếu tín nhiệm vào năm 1989 cho một ngài làm nghề bốc vác.

Trước khi Cộng hoà dân chủ Đức gộp vào với Tây Đức vài ngày, ông Hô-nếch-cơ vẫn còn được tín nhiệm tuyệt đối.

Tiếp theo đến lượt Mông Cổ và cuối cùng là Liên Xô, “thành trì bất khả xâm phạm” tan như bọt biển gặp sóng vào năm 1991.

Cả hai quốc gia này trong suốt 70 năm có lẻ tồn tại thể chế cộng sản, các chức danh lãnh đạo cao nhất của đất nước luôn được bầu với số phiếu 100 %.

Trong bầu cử, con số 100 % là con số tuyệt đối dối trá!

Và nó cũng là con số thất bại của đạo đức, công lý và lịch sử, như ta đã thấy, sẽ còn thấy.

Cả hai trường hợp đều 100 % chính xác.” Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định

Lỗ hổng về chọn sai, nhầm nhân sự lãnh đạo theo tôi đương nhiên là có, thậm chí có rất nhiều từ trung ương tới địa phương,” nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online từ Warsaw, Ba Lan nêu quan điểm.

Tôi nói đơn giản, như tổ chức một cuộc thi hoa hậu chẳng hạn – cái mà Việt Nam làm rất nhiều trong những năm qua – người ta phải tìm ứng viên trong mọi lĩnh vực, mọi miền của đất nước.

“Đây lại chỉ loanh quanh trong đảng, mà là đảng duy nhất, vậy đương nhiên là nhiều người tài giỏi đâu có cơ hội. Những người làng nhàng (nếu không muốn nói là yếu kém) nhưng giỏi chui luồn, lắm mưu mô sẽ leo cao, leo sâu. Vậy thì làm gì có cạnh tranh về nhân sự, làm sao chọn được người tài.

“Còn về vấn đề chịu trách nhiệm do đề bạt sai, giới thiệu sai, bổ nhiệm sai, tôi thấy rằng nói về trách nhiệm thì Việt Nam là trách nhiệm tập thể. Người ta chỉ có thể quy cho cá nhân nào đó khi mất mát, thất thoát một số tiền. Chứ việc bổ nhiệm nhân sự kém cỏi, tôi chưa thấy có ai bị trách nhiệm gì cả.”

Từ Hà Nội, nhà báo Hải Đăng (tức Quốc Việt) đưa ra ý kiến:

Tôi thấy rằng cơ chế bồi dưỡng và bổ nhiệm lãnh đạo ở địa phương như hiện tại mà không qua bầu cử phổ thông trực tiếp mà chỉ diễn ra trong một nhóm nhỏ Đảng ủy với nhau, rồi không để người dân địa phương được quyền tự chọn ra lãnh đạo đại diện cho mình… là rất có vấn đề.

Nó bộc lộ nhiều lỗ hổng và sai phạm là tất yếu. Lỗi ở đây là lỗi hệ thống, muốn khắc phục chỉ có cách cải cách nền tảng bầu cử, quy trình lập pháp và thậm chí cả hệ thống chính trị.”

Ảnh: Tổng bí thư Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước cuộc họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc trong đó có lời kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba và kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông. Trong video dài hơn 11 phút phát trong cuộc họp trước LHQ, khuôn mặt ông Trọng khá mệt mỏi và đôi mắt sụp xuống.

Cũng từ Hà Nội, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà quan sát thời sự và xã hội dân sự Việt Nam, đưa ra bình luận:

Về vấn đề tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự này, tôi thấy rằng đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận và thực hành lãnh đạo toàn diện, ghi cả điều đó vào trong Hiến Pháp, thế nên đảng phải chịu trách nhiệm nếu có các sai sót trong công tác nhân sự quan trọng, nhất là cấp trung, cao trong các bộ máy của đảng và chính quyền từ trung ương tới địa phương.

“Nhưng đảng luôn nói là lãnh đạo tập thể, thế nên khi có lỗi thì chỉ có một số cá nhân bị đem ra xử lý theo kiểu ‘thí tốt’. Còn sai lầm tổng thể về mặt đường lối thì không ai chịu trách nhiệm, không ai phải trả giá. Nhân dân ai nếu có ý kiến thì có thể bị vu cho là phản động, là thế lực thù địch phá hoại sự bình yên của đất nước. Thậm chí nhiều trường hợp bị bắt giam vì những cái cớ do họ, tức là chính quyền, dựng lên.

“Thành ra sắp tới có đại hội 13 của đảng Cộng sản sắp tổ chức đấy, nhưng tôi không có hy vọng gì lớn vào sự thay đổi của đảng cầm quyền. Chỉ khi nào những sức ép kinh tế, chính trị đủ lớn để người dân thay đổi thái độ thì những người cầm quyền may ra mới buông bỏ quyền lực tự nắm giữ của họ.

“Và tôi cho rằng mọi sự thay đổi nếu có trong đại hội 13 này chỉ là chiêu trò chính trị nhằm thoát khỏi bế tắc về đường lối một cách tạm thời mà thôi,” Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC từ Hà Nội.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Đại hội 13: Đảng lại cho dân “ăn bánh vẽ”

>>> Đại hội 13: Phe cánh trong đảng nhộn nhịp chia phần

>>> “Củi lửa” khó lường – Quan chức Đảng “cao chạy xa bay”

Diễn biến mới vụ Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT