Sáng ngày 07/09, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Truyền thông trong nước đưa tin công tác an ninh siết chặt trước phiên xét xử đặc biệt này.
Báo Thanh niên cho biết từ khoảng 6 giờ 30 sáng 07/09, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an thuộc nhiều lực lượng được huy động đến đảm bảo an ninh cho phiên xét xử.
Các ngả đường vào Tòa án nhân dân TP Hà Nội đều được thiết lập hàng rào cứng, khoảng 10 chiến sĩ túc trực để hạn chế tối đa người vào khu vực tòa.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường như Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Phạm Văn Bạch… cũng được kiểm soát nghiêm ngặt; các hàng quán lân cận Tòa án nhân dân TP Hà Nội buộc phải đóng cửa để phục vụ phiên xét xử.
Luật sư Ngô Anh Tuấn đã tranh thủ vào giờ nghỉ trưa cập nhật tình hình phiên toàn xét xử trên trang facebook cá nhân như sau: “Phiên tòa được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, từ khâu an ninh cho tới tổ chức phiên tòa: an ninh được kiểm sát chặt chẽ từ khoảng cách hàng trăm mét xung quanh TAND thành phố Hà Nội. Việc kiểm soát những người ra vào tòa được thực hiện nhiều vòng khác nhau. Các luật sư được trang bị máy tính để làm việc tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc tòa không cho các luật sư để xe trong tòa và an ninh kiểm soát, không cho luật sư gửi xe xung quanh khu vực tòa khiến các luật sư khó khăn trong việc đi tìm chỗ gửi xe và nhiều luật sư bị ướt sũng khi bước vào phòng xử;
Phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.”
Đúng như phản ánh, phiên tòa trên danh nghĩa là công khai nhưng người nhà bị cáo không được vào và cũng không một dân thường nào được tham dự.
Chị Nguyễn Thị Duyên là vợ bị cáo Lê Đình Uy tức là cháu dâu ông Lê Đình Kình cho biết: “Hiện trước cổng tòa có rất nhiều nhân viên an ninh và lực lượng chức năng mặc sắc phục lẫn không sắc phục. Khi người dân đứng gần tòa án, chưa được đứng trước cổng đã bị lực lượng an ninh đuổi đi. Nhưng chúng tôi vẫn đứng ngoài đây để nhìn về phía tòa án.”
Chị Duyên cho biết chị và những người dân Đồng Tâm có người thân đang bị xét xử đã khóc khi thấy hình ảnh người thân của mình trên báo đài sau nhiều ngày giam giữ, chị nói: “Khi được nhìn hình ảnh tất cả người thân của tôi đăng lên trên báo chính thống, tôi rất xúc động và không thể nào kìm được nước mắt. Không chỉ tôi, mà những người dân ở Đồng Tâm có người thân trong tòa cũng vậy. Chúng tôi không còn nhận ra người thân của mình nữa vì họ quá tiều tụy.”
Chị nêu nguyện vọng: “Tôi chỉ mong trong phiên tòa này không có người chết, không có ai bị giết thêm. Còn án thì tôi nghĩ tòa sẽ tuyên rất nặng nề đối với người dân Đồng Tâm… Tôi hy vọng các tổ chức quốc tế, các báo đài, mọi người sẽ lên tiếng giúp.”
Bà Dương Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) đã có mặt trước cổng tòa án nhưng cũng không được vào và bị lực lượng chức năng đuổi đi.
Chị Duyên cho biết: “Sáng nay trời Hà Nội mưa rất to, nhưng bà vẫn đứng đó với mọi người. Tầm khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi đưa bà về lại Đồng Tâm vì lo lắng cho sức khỏe của bà.”
Một sự việc đáng lưu ý được chị Duyên thông tin thêm là ông Trịnh Bá Khiêm, bố của anh Trịnh Bá Phương đã bị lực lượng chức năng bắt đi. Chị nói: “Bác Trịnh Bá Khiêm đến trước cổng tòa án đứng bình thường, không làm gì nhưng cũng bị an ninh bắt đi.” Gia đình anh Trịnh Bá Phương gồm bố mẹ và em trai Trịnh Bá Khiêm, vốn là những nông dân bị mất đất đã là những người tích cực nhất trong việc tường thuật những sự kiện tại Đồng Tâm trong thời gian qua từ tranh chấp đất đai cho đến thảm sát diễn ra vào tháng 01 vừa qua cũng như những vụ việc liên quan khác. Anh Phương cùng em trai và mẹ Cấn Thị Thêu đã bị bắt tạm giam vào tháng 06/2020 vì tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Chị Duyên cũng phản ánh là trước khi phiên tòa diễn ra, người dân Đồng Tâm không được đi lại tự do.
Bà cho biết trong quá trình đi từ Đồng Tâm đến Hà Nội, có rất nhiều chốt chặn để kiểm tra, không cho người dân đi về phía tòa án. Vì thế, những người có người thân bị bắt tại Đồng Tâm đã chủ động đi từ nhiều ngày trước.
Còn tình hình tại phiên tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn tường thuật lại là bị cáo Lê Đình Chức sức khỏe yếu, đi lại phải có 2 cảnh sát tư pháp dìu.
Bị cáo Bùi Thị Nối không trả lời khi Chủ tọa thẩm tra lý lịch mà chắp tai vái, quỳ lạy xin HĐXX cho 3-5 phút trình bày những bức xúc của những người nông dân mất đất nhưng không được chấp nhận và cảnh sát tư pháp đã phải dẫn giải bị cáo về chỗ ngồi khi bị cáo không tuân thủ theo yêu cầu trình bày của HĐXX.
Theo tường thuật của ông Nguyễn Hữu Vinh, mở đầu phiên tòa, các luật sư đã đề nghị triệu tập những nhân chứng liên quan vụ án, trong đó có cả ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội (như bản Kiến nghị ngày 03/09/2020 đã nêu).
Đồng thời, luật sư cũng đề nghị tòa cho sao 2 clip diễn biến rạng sáng 09/01/2020 tại Đồng Tâm mà đài truyền hình đã công bố.
Hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa để hội ý hơn 1 giờ đồng hồ (từ khoảng 10h15’ đến hơn 11h) và tuyên bố sẽ xem xét trường hợp những nhân chứng, riêng ông Chung thì tòa cho là không liên quan tới vụ án.
Trong thành phần lẽ ra phải tham dự phiên tòa có đại diện Công an Hà Nội. Tuy nhiên, đã không có những vị này, với lý do trời mưa quá, chiều mới có mặt. Sau đó tòa lại thông báo là họ đã có mặt.
Các luật sư đề nghị những người thân của các bị cáo phải được vào dự (mỗi bị cáo được 1-2 người thân) cũng bị tòa từ chối. Theo các luật sư, như vậy ngay từ đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.
Trong giờ giải lao, các luật sư đã tranh chủ gặp các bị cáo, thế nhưng họ đã bị lực lượng cảnh sát vây kín cản trở không cho tiếp xúc. Các luật sư phản ứng thì tòa nại cớ luật sư đã được tiếp xúc trước rồi.
Vì vậy mà ngay trong bữa cơm trưa, các luật sư đã soạn thảo đơn khiếu nại đối với hành vi tố tụng trái pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa – ông Trương Việt Toàn để kịp nộp vào tòa án vào đầu buổi làm việc chiều.
Theo đơn khiếu nại, vào lúc 11 giờ 10 phút, khi Hội đồng xét xử tiếp tục phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị Hội đồng xét xử thông báo rõ việc các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa nhưng chủ tọa phiên tòa (Thẩm phán Trương Việt Toàn) đã công khai tuyên bố việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết vì trước đó các luật sư đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trong trại giam.
Việc thẩm phán chủ tọa phiên tòa ngăn cản luật sư tiếp xúc với bị cáo trong phiên toàn là một hành động vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sư, gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền bào chữa, quyền tiếp xúc bị cáo tại phiên toà của luật sư.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định buổi làm việc đầu tiên của phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm là những tranh đấu của các luật sư về vô số các vấn đề thuộc về thủ tục tố tụng… Luật sự mạnh cũng ghi nhận một điềm báo của phiên tòa là “Mưa to, sấm động, chớp lòa … ngay trước những giây phút xét xử”.
Luật sư Trĩnh Vĩnh Phúc thì bình luận: “Thay vì chỉ tranh tụng với Viện Kiểm sát, nhiều vụ án các luật sư phải tranh biện với chủ toạ phiên toà. Chuyện chỉ có ở Việt Nam thôi…!”
Ông Phúc cũng đại diện cho nhiều luật sư bày tỏ: “Chúng tôi cấp thiết đề nghị Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn cấp thời ra văn bản lên tiếng yêu cầu Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc và tức thời quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp và bình đẳng của luật sư, đảm bảo các luật sư bào chữa được tiếp xúc với các thân chủ bị cáo theo quy định pháp luật, nhằm tránh các hệ lụy pháp lý nguy hại khó lường…!!!”
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> „Thượng bất chính, hạ tắc loạn” – Giai đoạn cuối cùng của Đảng Cộng sản VN
>>> Sự thật Đồng Tâm: họng súng giảm thanh chỉ cách cụ Kình 1 mét
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT